Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Ba, 07/12/2021, 06:59

Sáng 6/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã có buổi làm việc để kiểm tra, rà soát khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, cơ quan: Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc.

Cuộc họp diễn ra sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 thành lập 6 tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỉ lệ giải ngân tính đến ngày 31/10  dưới 60% kế hoạch được giao, trong đó phân công Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng Tổ công tác số 1 trực tiếp kiểm tra 9 bộ, cơ quan Trung ương và 5 địa phương phía Bắc.

Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công -0
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều biện pháp, trong đó có Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 63/NQ-CP, Công điện số 1082/CĐ-TTg… về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, cơ quan dự họp tập trung phát biểu làm rõ những khó khăn, vướng mắc cũng như quyết tâm của các bộ, cơ quan trong việc giải ngân vốn đầu tư công trong tháng cuối cùng của năm 2021.

Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 30/11, cả nước đã giải ngân được gần 295.000 tỷđồng, đạt 63,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó vốn trong nước đạt 69,19%, vốn nước ngoài đạt 21,51%, đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Lãnh đạo, đại diện các bộ, cơ quan được kiểm tra cập nhật tình hình từ đầu năm đến nay, trong đó Văn phòng Chính phủ đã hoàn thành giải ngân 100% số vốn được giao, Bộ Công an (trên 70%), Bộ Tư pháp (65%), Bộ Quốc phòng (51%).

Đề cập đến nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân, lãnh đạo các bộ, cơ quan lý nêu nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là do tác động của dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều dự án phải dừng thi công. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi… tác động trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp, nhà thầu, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ các dự án.

Các dự án ODA cũng chịu tác động nặng nề của dịch do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ nhập khẩu máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Một số dự án phải điều chỉnh hiệp định vay, gia hạn thời gian thực hiện dự án, thống nhất với nhà tài trợ về kế hoạch thực hiện, đấu thầu.

Về nguyên nhân chủ quan, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế; năng lực của một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu chủ đầu tư còn bất cập… Lãnh đạo một số bộ, cơ quan kiến nghị cần rà soát lại các quy trình, thủ tục để có thể nhanh chóng triển khai các dự án mới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nêu rõ, các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm đạt mức giải ngân cao nhất trong thời gian còn lại của năm 2021, đồng thời bảo đảm hiệu quả các dự án đầu tư công. Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; phân cấp, phân quyền phù hợp với năng lực, gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ; khẩn trương rà soát nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án.

Phó Thủ tướng Thường trực giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan, báo cáo Chính phủ để tháo gỡ.

Hải Minh
.
.
.