Nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng

Thứ Ba, 20/09/2022, 08:43

Sáng 20/9, tại TP Buôn Ma Thuột, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức Hội nghị công bố dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn công tác số 4 tại Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk.

Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Trưởng đoàn kiểm tra số 4 chủ trì Hội nghị.

Tham gia đoàn công tác có Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo một số cục nghiệp vụ Bộ Công an; Viện KSND Tối Cao, TAND Tối cao; Ban Nội chính Trung ương; Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương…

Về phía địa phương có đồng chí Nguyễn Đình Trung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk.

ảnh 1.jpg -0
Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương Ban Nội chính Trung ương đã thay mặt đoàn công tác công bố dự thảo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk.

Theo báo cáo dự thảo, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đều ban hành và thực hiện kế hoạch kiểm tra việc khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, vụ việc, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội tại một số địa phương, đơn vị và lồng ghép nội dung này trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Lãnh đạo, chỉ đạo xử lý nghiêm, bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các hành vi, vụ việc về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, có khó khăn, vướng mắc hoặc kéo dài trên địa bàn, tạo tiền đề, kinh nghiệm và hiệu ứng lan tỏa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tội phạm; công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được quan tâm, nhất là kiểm tra dấu hiệu vi phạm; xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với một số trường hợp cán bộ, đảng viên sai phạm…

ảnh 2.jpg -0
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu kết luận tại Hội Nghị.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tỉnh Đắk Lắk đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nhất định. Đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cục tiến hành chưa thường xuyên. Kết quả phát hiện, chuyển giao nguồn tin về tội phạm của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp qua công tác kiểm tra, giám sát, tự thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo trong nội bộ chưa nhiều.

Bên cạnh đó, những đối tượng tham nhũng, sai phạm về kinh tế, tiêu cực thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết, có chuyên môn sâu nên thủ đoạn phạm tội tinh vi, nhất là thủ đoạn đối phó với cơ quan điều tra, rất khó cho công tác phát hiện và thu thập chứng cứ. Việc kết luận giám định trong một số lĩnh vực, nhất là xây dựng cơ bản, quản lý bảo vệ rừng có một số vụ việc chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến khó khăn trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, cũng như trong công tác điều tra, truy tố, xét xử vụ án…

Trước thực trạng này, Đoàn Kiểm tra số 4 đã kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc quán triệt, nắm vững và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cũng như của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cũng như tự kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố nói riêng. Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra, giám sát, kiến nghị khắc phục xử lý nghiêm những hạn chế, yếu kém...

ảnh 3.jpg -0
Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương Ban Nội chính Trung ương đã thay mặt đoàn công tác công bố dự thảo tại Hội nghị.

Kết luận buổi làm việc, Đại tướng Tô Lâm đánh giá cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung; công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nói riêng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực này gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của mình.

Liên quan đến những đóng góp ý kiến của các đại biểu trong đoàn công tác cũng như các thành viên trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk, Bộ trưởng Tô Lâm giao cho các thành viên trong đoàn thư ký số 4 tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để hoàn thiện bản dự thảo báo cáo, kết luận gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đắk Lắk cần đẩy mạnh công tác -0
Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk báo cáo, đóng góp ý kiến vào dự thảo về công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là một số nội dung trọng tâm về nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Bảo đảm nguyên tắc mọi tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm nói chung, tội phạm về tham nhũng, kinh tế nói riêng đều phải được tiếp nhận và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm, tính nêu gương trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của từng cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chuyên môn để phát hiện từ sớm, từ xa các hành vi sai phạm về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực.

Đắk Lắk cần đẩy mạnh công tác -0
Các thành viên trong đoàn công tác tham dự tại Hội nghị.

Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tiếp tục quan tâm xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý và cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chủ động xây dựng kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế và thực hiện đầy đủ các kiến nghị đã nêu trong Báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra số 4, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.

Đối với địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần đặc biệt quan tâm, chú trọng hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng phát hiện sớm các nguồn tin về tội phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ, nông, lâm trường; các sai phạm trong quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công của cán bộ, công chức trong cơ quan quản lý nhà nước gây bức xúc, dư luận xã hội quan tâm để kịp thời chuyển giao, xử lý nghiêm minh các cá nhân, tập thể sai phạm, đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trên địa bàn...

Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị tỉnh Đắk Lắk  cần nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, “tham nhũng vặt”, đồng thời có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Tỉnh cần tiếp tục xây dựng, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực hiện minh bạch việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức... 
 

Văn Thành
.
.
.