Nâng cao tiềm lực quốc gia trên không gian mạng, hình thành hệ sinh thái an ninh mạng bản sắc Việt Nam

Thứ Sáu, 08/09/2023, 17:55

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia được thành lập là dấu mốc quan trọng về sự ra đời của tổ chức xã hội, nghề nghiệp đầu tiên hướng tới mục tiêu bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, nâng cao tiềm lực quốc gia trên không gian mạng, hình thành hệ sinh thái an ninh mạng bản sắc Việt Nam.

Ngày 8/9, tại Hà Nội, đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028 Hiệp hội An ninh mạng quốc gia. Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia dự, phát biểu chỉ đạo.

Dự đại hội có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Lương Tam Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia; Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; GS, TS Châu Văn Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đồng chí Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; đại diện Văn phòng chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương và  lãnh đạo các bộ, ngành chức năng.

Đại hội có sự tham dự của gần 200 đại biểu là hội viên Hiệp hội An ninh mạng quốc gia; các chuyên gia, học giả uy tín trong lĩnh vực an ninh mạng.

Nâng cao tiềm lực quốc gia trên không gian mạng, hình thành hệ sinh thái an ninh mạng bản sắc Việt Nam -0
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại đại hội.

Phát biểu khai mạc đại hội, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, với mục tiêu hình thành hệ sinh thái an ninh mạng vận hành đa dạng, linh hoạt, liên kết chặt chẽ, lan toả sâu rộng, kết nối công – tư hữu hiệu, huy động sự tham gia tự nguyện, đoàn kết của các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ nhau cùng phát triển, kịp thời phát hiện, giải quyết những vướng mắc, khó khăn, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, góp phần bảo vệ Tổ quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao tiềm lực quốc gia về an ninh mạng, ứng phó hiệu quả với nguy cơ, thách thức từ không gian mạng, Ban Vận động thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã tích cực triển khai các công tác. Ngày 8/5/2023, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 340/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.

“Hiệp hội An ninh mạng quốc gia được thành lập là dấu mốc quan trọng về sự ra đời của tổ chức xã hội, nghề nghiệp đầu tiên hướng tới mục tiêu bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, nâng cao tiềm lực quốc gia trên không gian mạng, hình thành hệ sinh thái an ninh mạng bản sắc Việt Nam” – Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ.

Đại hội Hiệp hội An ninh mạng quốc gia lần thứ nhất -0
Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại đại hội.

Theo đó, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân và tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng tự nguyện thành lập, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, đoàn kết bảo đảm an ninh mạng theo định hướng, chiến lược về an ninh mạng của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ Tổ quốc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại đại hội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đã trao Quyết định thành lập Hiệp hội cho Thứ trưởng Lương Tam Quang và tặng hoa chúc mừng Ban Vận động.

Đại hội đã thông qua Chương trình, phương hướng hoạt động của Hiệp hội, nhiệm kỳ 2023-2028, Điều lệ của Hiệp hội và Đề án tổ chức nhân sự của Hiệp hội nhiệm kỳ I (2023-2028). Đại hội cũng đã bầu ra Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Ban Thường vụ Hiệp hội, một số chức danh lãnh đạo và thông qua Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất với sự nhất trí cao của toàn thể hội viên. Theo đó, Thứ trưởng Lương Tam Quang được đại hội bầu làm Chủ tịch Hiệp hội; Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội.

Đại hội Hiệp hội An ninh mạng quốc gia lần thứ nhất -0
Các đại biểu tại đại hội.

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Bộ trưởng Tô Lâm chúc mừng sự thành công của đại hội, đại hội đã lựa chọn, bầu ra được những đồng chí tiêu biểu tham gia vào Ban lãnh đạo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia lần thứ I (nhiệm kỳ 2023 - 2028).

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh đến tình hình an toàn, an ninh mạng trong thời gian vừa qua, khẳng định việc giải quyết những khó khăn, thách thức trong trong công tác bảo đảm chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia trên không gian mạng cần phải phải có sự chung tay, tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, trong đó Hiệp hội An ninh mạng quốc gia thực sự trở thành động lực chính cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Nâng cao tiềm lực quốc gia trên không gian mạng, hình thành hệ sinh thái an ninh mạng bản sắc Việt Nam -0
Các đại biểu tại đại hội.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu  rõ những nguy cơ, thách thức, nhấn mạnh các nguy cơ, thách thức đối với việc bảo đảm an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong đó, tình hình tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây thiệt hại rất lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

“Chỉ tính riêng từ đầu 2023 đến nay, Bộ Công an đã xử lý gần 800 vụ việc, với tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa trở nên phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố vi phạm pháp luật, thu hút số lượng lớn người tham gia, số lượng tiền giao dịch lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi tháng. Những nguy cơ, thách thức đó là thường trực, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức và áp lực rất lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc an ninh mạng quốc gia” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và đề nghị Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và các tổ chức, doanh nghiệp thành viên cần nắm bắt kịp những sự chuyển dịch vĩ đại từ không giạn mạng như: từ chủ quyền lãnh thổ sang chủ quyền mạng, từ kiểm soát lãnh thổ sang kiểm soát không gian mạng, từ công  nghệ thông tin sang công nghệ số, từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số…

Bộ trưởng Tô Lâm gợi mở một số vấn đề mà Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cần thực hiện trong thời gian tới. Đó là, nhận diện rõ những đặc trưng cơ bản của thời đại không gian mạng để tăng cường làm chủ và tự chủ.

“Tại thời đại không gian mạng, an ninh mạng giữ vai trò quan trọng như tấm khiên, lá chắn, thanh gươm để bảo vệ sự phát triển bền vững. Do đó, cả 3 yếu tố về: công nghệ, nhân tài và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực an ninh mạng lại càng có ý nghĩa quyết định” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Đại hội Hiệp hội An ninh mạng quốc gia lần thứ nhất -0
Các đại biểu biểu quyết thông qua Đề án tổ chức nhân sự.

Nội dung thứ 2 đồng chí Bộ trưởng lưu ý, cần nhận diện xu thế và thách thức thời đại để tăng cường bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trong tình hình mới. “Quan điểm về bảo vệ chủ quyền đất nước được ban hành theo Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW năm 2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia; trong đó có bảo vệ chủ quyền và an ninh mạng quốc gia là bộ phận quan trọng trong hệ thống quan điểm, đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trong bối cảnh tình hình mới, với nhiều diễn biến địa chính trị phức tạp, với tầm nhìn chiến lược, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh và nhận diện rõ vấn đề chủ quyền và an ninh mạng. Đây cũng là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng thời gian qua” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định và đề nghị Hiệp hội cùng các thành viên phải đánh giá toàn diện tình hình, kết quả thực hiện công tác thực tiễn, đồng thời phải bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến trên các lĩnh vực có liên quan; luôn nhận thức về xu thế công nghệ phát triển mạnh mẽ và có tác động sâu sắc tới chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia như hiện nay.

“Môi trường thực cần bảo vệ như thế nào thì môi trường ảo, tức không gian mạng cũng cần bảo vệ như vậy. Một doanh nghiệp muốn tồn tại được thì phải có lợi nhuận, nhưng sau lợi nhuận sẽ là gì? Không lẽ sau lợi nhuận lại vẫn là lợi nhuận? Lợi nhuận là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải quyết được một vấn đề, một bài toán lớn hơn của xã hội, của đất nước, của nhân loại, nhằm làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đất nước phát triển và hạnh phúc hơn, nhân loại văn minh hơn” – đồng chí Bộ trưởng nêu.

Vấn đề thứ 3 Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, đó là Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phải đề ra sứ mệnh và tầm nhìn phù hợp với thời đại. “Qua đại hội này, tôi đề nghị Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phải nhận lấy một “sứ mệnh quốc gia”. Một “sứ mệnh” lớn hơn sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn, quy tụ nhiều hội viên hơn, đoàn kết hơn, sẽ dẫn dắt các doanh nghiệp của hiệp hội đi xa hơn, cao hơn. Chúng ta sẽ chỉ có thể trường tồn khi gắn mình với quốc gia, giúp quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ tạo cơ hội cho một số ít nước bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển, nhưng không phải tất cả. Việt Nam chúng ta phải đi đầu trong cuộc cách mạng này để thay đổi thứ hạng, để trở thành nước phát triển, mà đi đầu phải là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực an toàn, an ninh mạng. Đi đầu không chỉ trong việc phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ, mà còn là đi đầu trong thực hiện sứ mệnh mới” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh và đề nghị Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khẩn trương tiếp thu, bổ  sung ý kiến của các đại biểu tham gia các dự thảo văn kiện của Đại hội để tổ chức triển khai, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Danh sách các đồng chí lãnh đạo Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia:

 Thượng tướng Lương Tam Quang,  Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hiệp hội.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phó Chủ tịch Thường trực.

Các Phó chủ tịch bao gồm: ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN);  Đại tá Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel); ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT; ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Điều hành Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC.

Phương Thuỷ
.
.
.