Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thực tiễn
Sáng 3/5, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự và chỉ đạo Phiên họp toàn thể lần thứ 10 Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN).
Trung tướng Lê Tấn Tới, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí thành viên UBQPAN, các Uỷ ban của Quốc hội; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương...
Tạo cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới nêu rõ, diễn ra trong hai ngày 3 và 4/5, Phiên họp toàn thể lần thứ 10 UBQPAN sẽ thẩm tra các dự án luật thuộc lĩnh vực do Uỷ ban phụ trách, chủ trì thẩm tra, gồm: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Phòng không nhân dân.
Thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Đề án số 292 của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, ngày 8/4, Chính phủ đã có Tờ trình số 131 về dự án Luật PCCC và CNCH trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. Ngày 15/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết số 45 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; nhất trí bổ sung dự án luật này vào Chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Để kịp thời báo cáo UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ 33, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, Thường trực UBQPAN đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xây dựng báo cáo thẩm tra. Chủ nhiệm UBQPAN mong muốn thành viên UBQPAN, đại diện các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương tham gia ý kiến thẳng thắn, xây dựng đối với dự án Luật PCCC&CNCH để hoàn thiện báo cáo thẩm tra.
Đại diện Cơ quan soạn thảo trình bày tờ trình, Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, việc ban hành luật nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý về công tác PCCC&CNCH; đồng thời, bổ sung quy định về hoạt động CNCH đối với những sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hằng ngày có tác động trực tiếp, làm hạn chế quyền con người, quyền công dân và theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải được quy định trong văn bản luật.
Đặc biệt, việc xây dựng luật còn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan và khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành. Thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến ANTT, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội...
"Thực tế này đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về PCCC hiện hành là để kịp thời tạo cơ sở pháp lý nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC trong thực tiễn", Trung tướng Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh. Dự thảo luật gồm 9 chương, 65 điều.
Quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong tổ chức thực hiện pháp luật về PCCC
Trình bày báo cáo thẩm tra, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Uỷ viên Thường trực UBQPAN cho rằng, UBQPAN cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PCCC&CNCH nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về PCCC&CNCH; luật hoá những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động CNCH mà lực lượng PCCC&CNCH đang được giao đảm nhiệm nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC&CNCH trong tình hình mới.
Về trách nhiệm PCCC, CNCH (Điều 6), UBQPAN cơ bản tán thành quy định của dự thảo luật về trách nhiệm PCCC&CNCH vì đây là nội dung quan trọng nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng về "huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH", khắc phục tối đa hạn chế trong thực hiện chế độ tự kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về PCCC&CNCH của người đứng đầu cơ sở trong thời gian qua.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác này, UBQPAN đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện pháp luật về PCCC tại các cơ sở thuộc quyền quản lý, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Đảng: "Người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình" (Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư).
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án luật, đánh giá dự thảo luật khá đổi mới về tư duy và phương thức quản lý về PCCC&CNCH, có những chính sách để cải cách thủ tục hành chính về PCCC...; đồng thời góp ý Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh để tránh chồng lấn với các dự án luật khác; vấn đề quy hoạch, cơ chế phối hợp giữa các lực lượng...
Phạm vi điều chỉnh luật hoá Nghị định số 83 của Chính phủ
Thay mặt Cơ quan soạn thảo phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng trân trọng cảm ơn các đồng chí trong UBTVQH, UBQPAN, đại diện các bộ, ngành đã tham gia ý kiến, đồng hành, phối hợp cùng Bộ Công an, trong thời gian ngắn nhưng đã chuẩn bị hồ sơ dự án luật rất dày dặn, đến hôm nay trình ra Phiên họp toàn thể UBQPAN đã tương đối hoàn thiện. Đồng thời khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, có sự chỉnh sửa cho phù hợp, đủ điều kiện trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây.
Về phạm vi điều chỉnh dự án luật, đồng chí Thứ trưởng cho biết, Tờ trình đã nói rõ, đây là luật hoá Nghị định số 83 ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác CNCH của lực lượng PCCC. Trong đó, tại Điều 5 quy định phạm vi hoạt động CNCH của lực lượng PCCC&CNCH là thực hiện đối với sự cố tai nạn cháy; sự cố tai nạn nổ; sự cố tai nạn sập, đổ nhà, công trình máy móc, thiết bị, cây cối; sự cố tai nạn sạt lở đất, đá; sự cố tai nạn có người mắc kẹt trong nhà, công trình trên cao, dưới sâu, trong thiết bị, trong hang, trong hầm, công trình ngầm; sự cố TNGT đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa khi có yêu cầu; sự cố tai nạn đuối nước dưới sông, suối, thác, hồ, ao, hố sâu có nước và các bãi tắm; sự cố tai nạn tại các khu du lịch, vui chơi giải trí; sự cố tai nạn theo quy đinh pháp luật...
"Như vậy, tất cả các sự cố tai nạn này cấp độ thấp hơn so với sự cố trong phòng thủ dân sự. Thực tế từ năm 2017 đến nay, lực lượng PCCC&CNCH trong cả nước đã thực hiện 20.857 vụ CNCH, trong đó 13.613 vụ CNCH trong đám cháy (chiếm 60%); còn lại 7.244 vụ CNCH thuộc vào 9 trường hợp theo quy định tại Nghị định số 83 của Chính phủ" - Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Đồng chí Thứ trưởng cho rằng, việc điều chỉnh tên gọi dự án luật lần này là sự luật hoá Nghị định số 83, phù hợp với Hiến pháp là khi tác động đến quyền của công dân thì thực hiện theo luật. "Chúng tôi đã tổng kết Nghị định số 83, có sự thống nhất rất cao với Ban soạn thảo Luật Phòng thủ dân sự của Bộ Quốc phòng, nhiều lần trao đổi và khẳng định 9 trường hợp trong Nghị định số 83 không thuộc vào các phần của phòng thủ dân sự vì là ở cấp độ thấp hơn. Nếu không luật hoá vấn đề này thì lực lượng PCCC cứ thực hiện theo Nghị định và vi phạm Hiến pháp. Còn phạm vi ở đây rất rõ ràng, không có vấn đề gì mơ hồ, hay chồng lấn, xung đột...", Thứ trưởng Lê Quốc Hùng lý giải thêm.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao công tác chuẩn bị của UBQPAN về tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra đối với dự án Luật PCCC&CNCH và 3 dự án luật tới đây trình Quốc hội; đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo phối hợp các bộ, ngành hoàn chỉnh dự án luật, kịp thời thẩm tra sơ bộ, báo cáo UBTVQH và hôm nay thẩm tra chính thức.
Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành để làm rõ các căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý; xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự án luật, rà soát sự thống nhất của hệ thống pháp luật; về phân cấp, phân quyền, lồng ghép trong xây dựng quy hoạch... qua đó, hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra, báo cáo UBTVQH cho ý kiến chính thức tại Phiên họp thứ 33, trước khi trình Quốc hội.