Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có số lượng xe ôtô vượt quy định

Thứ Tư, 03/07/2024, 08:27

Chiều 2/7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức họp báo công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2022.

Đã xử lý, giải quyết 35/40 vụ việc do Kiểm toán Nhà nước chuyển

Trả lời tại buổi họp báo, Phó tổng KTNN Hà Thị Mỹ Dung cho biết, qua hoạt động kiểm toán, hằng năm đơn vị đã cung cấp hàng trăm báo cáo kiểm toán cho Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra, các cơ quan điều tra để xem xét, xử lý, phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.

Trong thời gian qua, KTNN đã chuyển 40 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra các cấp. Trong 40 vụ việc, KTNN đã nhận được sự phối hợp tích cực của các cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền. Kết quả, trong 40 vụ việc, đến nay các cơ quan điều tra đã xử lý, giải quyết xong 35 vụ việc. Trong 35 vụ việc đó, có 14 vụ việc đã khởi tố để điều tra, xử lý, có 21 vụ việc đang có ý kiến để điều tra, đợi kết quả giám định.

“Việc phối hợp giữa các cơ quan điều tra với KTNN về các vụ việc có dấu hiệu vi phạm không có gì khó khăn”, bà Dung khẳng định. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm ngay các vụ việc, theo bà Dung rất khó bởi cần có thời gian để điều tra, xác minh.

Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có số lượng xe ôtô vượt quy định -0
Bộ Công Thương có 109 ôtô công vượt quy định. Ảnh minh hoạ.

Trả lời thêm về vấn đề xử lý sau kiểm toán, ông Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI cho biết, thực hiện Quyết định số 343/QĐ-KTNN ngày 25/3/2022 của Tổng KTNN về việc thực hiện kiểm toán việc quản lý tài nguyên khoáng sản đối với thành phố Hải Phòng, KTNN phát hiện có việc vi phạm pháp luật trong vấn đề thăm dò, khai thác khoáng sản. Khi phát hiện dấu hiệu tội phạm này,

KTNN khu vực VI đã báo cáo với lãnh đạo KTNN phụ trách và Tổng KTNN theo đúng trình tự quy định của ngành về việc phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để chuyển cơ quan điều tra. KTNN khu vực VI cũng đã báo cáo lãnh đạo KTNN chuyển 7 vụ việc sang cơ quan điều tra về việc vi phạm pháp luật trong vấn đề thăm dò, khai thác khoáng sản.

“Nội dung cụ thể các sai phạm thì theo khoản 1 Điều 1 Quyết định 504/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/4/2022 thì nội dung kết luận, kiến nghị xử lý của KTNN đối với vụ việc có dấu hiệu tội phạm nghiêm trọng được phát hiện qua hoạt động kiểm toán thuộc Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực KTNN, nên chúng tôi xin phép chưa báo cáo cụ thể, rõ ràng”, ông Vũ Khánh Toàn trao đổi với phóng viên.

Về kết quả xử lý vấn đề này, ông Vũ Khánh Toàn nêu: Đối với các vụ việc chuyển sang cơ quan điều tra, trong năm 2022, KTNN đã tiếp đón Đoàn Kiểm tra của Bộ Chính trị về việc kiểm tra việc tiếp nhận, phát hiện, xử lý và chuyển giao tin tố giác tội phạm. Trên tinh thần đó, thành phố Hải Phòng đã rất trách nhiệm trong việc xử lý tin tố giác mà KTNN khu vực VI chuyển qua. Đến nay, theo thông báo của Công an thành phố Hải Phòng, đã có 2 vụ việc được cơ quan Công an ra quyết định khởi tố vụ án với nội dung là Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên theo kiến nghị của KTNN.

Ngoài việc chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc trên, ông Vũ Khánh Toàn nhấn mạnh, đối với tất cả các sai sót được nêu trong Báo cáo kiểm toán, KTNN đều có những kiến nghị tương ứng, phù hợp và được thẩm định, duyệt qua các bước rất chặt chẽ.

Bộ Công Thương có 109 ôtô công vượt quy định

Cũng tại buổi họp báo, ông Vũ Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN cho biết một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có số lượng xe ôtô vượt so với quy định; chưa thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất hoặc chưa được phê duyệt phương án sắp xếp; chưa thực hiện các trình tự, thủ tục về quản lý đất đai; còn tình trạng bị lấn chiếm.

Tại một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương, một số đơn vị sự nghiệp còn cho thuê tài sản, liên doanh liên kết nhưng chưa xây dựng đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết.

Nói riêng về nội dung một số bộ ngành, địa phương có số ôtô vượt so với quy định, ông Vũ Ngọc Tuấn dẫn chứng hiện nay, Bộ Công Thương có 109 ôtô công vượt số lượng so với quy định, tuy nhiên, trong số này có tới 93 xe đã hư hỏng, không sử dụng được; quận Nam Từ Liêm (TP Hà Nội) thừa 3 xe so với quy định, hiện đã được phê duyệt để thanh lý.

“Việc một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có số lượng ôtô vượt so với quy định là do có nhiều ôtô đã hết thời gian sử dụng, phải thanh lý, nhưng vì để tiết kiệm nên một số cơ quan vẫn tiếp tục sử dụng, do vậy có nhiều nơi số lượng xe ôtô vượt quy định”, ông Tuấn nói.

Trước đó, báo cáo của KTNN cho biết tổng hợp kết quả chính từ 248 báo cáo kiểm toán của 135 nhiệm vụ kiểm toán tổ chức trong năm 2023 đối với niên độ ngân sách năm 2022, KTNN đã kiến nghị tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 21.346 tỷ đồng. Báo cáo nêu về thu ngân sách Nhà nước, một số địa phương lập dự toán chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu. Một số chỉ tiêu thu dự báo còn chưa sát nên lập dự toán còn chưa phù hợp với thực tế thực hiện. Lập, giao dự toán nguồn thu xuất nhập khẩu tại một số cục hải quan còn chưa sát với khả năng thu. Tình trạng hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu các loại thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác… vẫn diễn ra tại các đơn vị được kiểm toán.

"KTNN xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm 3.841 tỷ đồng", báo cáo nêu. Về chi ngân sách Nhà nước, đáng chú ý, theo báo cáo, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư tại một số bộ, cơ quan trung ương thấp dưới 50% kế hoạch vốn được giao, tỉ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ đạt 47%. Một số khoản chi sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương thực hiện thấp so với dự toán giao. Tại một số bộ, cơ quan trung ương còn tình trạng chi sai quy định phải thu hồi nộp ngân sách nhà nước, quyết toán kinh phí chậm...

Đặng Nhật
.
.
.