Ma túy phức tạp sẽ xuất hiện các băng nhóm mafia, gây bất ổn xã hội
Báo cáo trước Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các đại biểu tham dự hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá tình hình, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy, đồng thời khẳng định: Ở một số nước trên thế giới, khi tình hình ma túy phức tạp sẽ xuất hiện các băng nhóm mafia gây bất ổn xã hội. Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải coi phòng, chống ma túy, mại dâm, AIDS là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, góp phần bảo vệ nòi giống, phát triển trí lực của người Việt Nam.
Sáng 26/1, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương trên cả nước.
Tại hội nghị, thay mặt Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đã trình bày báo cáo kết quả tổng kết công tác phòng, chống ma túy trong năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024. Theo đó, năm 2023, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc đánh giá, số người sử dụng ma túy trên thế giới tăng trung bình 23% sau hơn 10 năm từ 240 triệu người năm 2011 lên 296 triệu người năm 2023.
Tại Việt Nam, do chịu tác động của tình hình ma túy trên thế giới và khu vực, tội phạm ma túy ở trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Chúng còn trang bị những loại vũ khí quân dụng, manh động, sẵn sàng chống trả, gây khó khăn, nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh, bắt giữ.
Thông qua công tác đấu tranh, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã phát hiện 5 chất mới có tác dụng như nhóm cần sa tổng hợp, không nằm trong danh mục các chất ma túy theo Nghị định số 57/2022 ngày 25/8/2022 của Chính phủ; phát hiện phương thức sản xuất ma túy mới lần đầu tiên xuất hiện ở Lào, Việt Nam và các nước trong khu vực…
Hiện toàn quốc có 229.265 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy, trong đó có 43.748 người sử dụng trái phép chất ma túy; 170.521 người nghiện ma túy trong đó có hơn 71.000 người đang ở ngoài xã hội chiếm 42%. Hàng nghìn người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”.
Đây được xác định là “nguồn cầu” tiêu thụ ma túy rất lớn, gây áp lực cho công tác phòng, chống ma túy, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cao tội phạm về ma túy, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật khác, gây mất ANTT tại nhiều địa phương. Đáng chú ý, tình trạng lái xe, nhất là lái xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa dương tính với ma túy tiếp tục gia tăng. Hoạt động sử dụng trái phép chất ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện và dịch vụ nhạy cảm về ANTT tiếp tục có xu hướng diễn biến phức tạp.
Tình hình trồng trái phép cây có chứa chất ma túy cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên vẫn xảy ra tình trạng gieo trồng cây thuốc phiện, cây cần sa xen lẫn với các loại cây hoa màu, diện tích nhỏ lẻ; trồng cần sa tại các căn hộ khu chung cư...
Trong năm 2023, Bộ Công an tiếp tục phát huy vai trò cơ quan thường trực, làm tốt công tác tham mưu chiến lược cho Chính phủ chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Tổ chức tốt công tác nắm tình hình, nhận diện, đánh giá, dự báo đúng, từ đó triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng, chống ma túy, phát hiện, đấu tranh và thu giữ khối lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay, góp phần hạn chế “nguồn cung” ma túy. Khẳng định và triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy; thực hiện có chiều sâu, hiệu quả thực chất hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy với Lào, Campuchia, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, các nước châu Âu… Thực hiện tốt vai trò là cơ quan chủ trì, phối hợp hiệu quả với các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy (Hải Quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) trong triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm ma túy được tiến hành kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật và đạt tỷ lệ cao hơn năm trước (đạt tỷ lệ 90,1% về số vụ và 88,5% số bị cáo). Công tác kiểm soát các hoạt động liên quan đến ma túy và phòng, chống trồng cây chứa chất ma túy có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cai nghiện, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy được thực hiện quyết liệt, góp phần hạn chế “nguồn cầu” về ma túy.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, chúng ta phải quyết tâm, thực hiện hiệu quả các giải pháp, biện pháp, cố gắng không để là nước trung chuyển, không để là nước sản xuất ma túy. Cùng với việc đấu tranh hiệu quả tội phạm ma túy, các nước bạn Lào, Campuchia rất mong muốn học tập kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác đưa người nghiện đi cai nghiện ma túy, giảm nguồn cầu. Hiện giữa tội phạm truyền thống và tội phạm lợi dụng không gian mạng phát triển đan xen, mạnh mẽ, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an trong công tác đấu tranh, phòng, chống ma túy, tội phạm ma túy, vì mục tiêu chung, giảm "cầu", tấn công mạnh "nguồn cung", không để Việt Nam là nơi trung chuyển, sản xuất ma túy.
“Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, góp phần bảo vệ nòi giống, phát triển trí lực của người Việt Nam. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, khi để xảy ra tình trạng ma túy phức tạp sẽ xuất hiện các băng nhóm maphia, gây bất ổn xã hội. Nếu chúng ta không tích cực, đồng bộ, xuyên suốt, thống nhất trong nhận thức và hành động thì tình hình ma túy sẽ diễn biến phức tạp”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng đề nghị Bộ Tư pháp sớm xây dựng dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến ma túy để phục vụ kết nối, điều hành, quản lý, đấu tranh của các cơ quan chức năng, góp phần phát hiện sớm, tránh để tình trạng lọt người nghiện, người nghiện ở bên ngoài xã hội; kiên quyết không để hình thành các tụ điểm mại dâm, ma túy ở bất cứ hình thức nào, địa bàn nào.
“Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung và tạo công ăn việc làm cho những người yếu thế trong xã hội, cho vay tín chấp để họ có cơ hội làm ăn, đây là vấn đề rất quan trọng”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định và đề xuất Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan thường trực gồm Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế rà soát chính sách để đồng bộ, xuyên suốt, thống nhất trong phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Đồng tình với những phân tích, đánh giá của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, chia sẻ với những mất mát, hy sinh, vất vả của các lực lượng, trong đó có lực lương Công an trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, AIDS, mại dâm, tại hội nghị, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND TP Hà Nội, UBND TP Cần Thơ, Nghệ An, Điện Biên, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu, Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… đã tập trung thảo luận, phân tích những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm giải quyết tồn tại, hạn chế trên từng địa bàn, lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang biểu dương kết quả, trực tiếp thảo luận, phân tích, chỉ rõ những tồn tại, trách nhiệm, nội dung có liên quan đến từng mảng việc thuộc các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, đồng thời rất đồng tình với đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc: “Nếu nhà nào có người nghiện ma túy thì như nhà có tang”. Phó Thủ tướng cho biết, rất xót xa khi chứng kiến những khu cai nghiện ma túy ở nhiều địa phương không đảm bảo các yêu cầu về nhiệm vụ so với tình hình thực tế hiện nay. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo cho trung tâm cai nghiện đủ nhân lực, vật lực để phục vụ cho công tác cai nghiện.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, nhiệm vụ này rất nặng nề, có nhiều việc rất khó, những yếu tố khách quan còn nhiều nhưng chủ quan cũng lắm. Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2023, chúng ta đã làm rất tích cực, mong các bộ, ngành, địa phương quyết tâm hơn, coi việc này là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Hình ảnh vị thế của địa phương, quốc gia có tốt lên hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực này.
“Ngày trước bắt, thu giữ ma túy tính bằng gam, kg, tạ, giờ tính bằng tấn, hàng trăm tấn, rất khủng khiếp. Các đối tượng buôn bán ma túy với thủ đoạn ngày càng tinh vi, lợi dụng công nghệ cao để hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy, hoạt động mại dâm. Khi kinh tế khó khăn, chúng càng hoạt động mạnh”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng bày tỏ lo ngại đối với tình trạng người nghiện ma túy, mại dâm, AIDS được phát hiện vẫn chiếm phần nhỏ so với thực tế, đặc biệt là nguy cơ lây nhiễm AIDS cao trong giới trẻ, trong khi tương lai, giống nòi của đất nước lại nằm ở người trẻ. Tệ nạn mại dâm diễn biến phức tạp, ẩn kín. Không chỉ hoạt động mại dâm trong nước, các đối tượng còn hoạt động mại dâm xuyên biên giới, ở nước ngoài.
Giao nhiệm vụ cho các thành viên của ủy ban thuộc ban, bộ, ngành, địa phương trong năm 2024 về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh 7 nhóm việc trọng tâm. Cụ thể, các bộ, ngành, nhất là 3 bộ chủ công, thường trực của ủy ban gồm: Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế cần rà soát lại, thống nhất những quy định, thể chế có liên quan; yêu cầu các bộ, ngành nếu vượt quá thẩm quyền giải quyết phải báo cáo Chính phủ để tháo gỡ ngay.
“Các bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo những phần công việc thuộc trách nhiệm đã được phân công, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương khác; tăng cường kiểm tra giám sát. Nơi nào địa phương quan tâm có giải pháp tích cực sẽ đem lại hiệu quả cao, và ngược lại nếu buông thì hậu quả, tình hình sẽ rất tệ”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lưu ý công tác tuyên truyền cần được đa dạng, đổi mới, thấm, ngấm sâu vào tất cả người dân, nhất là giới trẻ, thanh thiếu niên, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến công tác cai nghiện. Tùy từng địa bàn, địa phương có chế độ, chính sách đặc thù giúp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, cai nghiện, phòng, chống ma túy, AIDS, mại dâm…
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần nhân rộng những biện pháp, cách làm hay ở các địa phương; tăng cường phối hợp hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, lực lượng, tổ chức đồng cấp ở khu vực và trên thế giới, góp phần phòng, chống, đấu tranh hiệu quả AIDS, ma túy, mại dâm; ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả chuyển đổi số, nhất là Đề án 06 của Chính phủ trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm bởi kết quả từ Đề án 06 mang lại vô cùng lớn…
Năm 2023, Bộ Công an đã chỉ đạo phát hiện, đấu tranh 27.333 vụ, 42.977 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ 523,74 kg heroin, 541,64 kg cần sa, 96,978 kg thuốc phiện, hơn 4.099 kg và 2 triệu viên ma túy tổng hợp, 118 khẩu súng (so với năm 2022, nhiều hơn 5,79% số vụ và 8,92% số đối tượng).
Khởi tố mới 25.496 vụ, 37.950 bị can. Đấu tranh, giải quyết điểm, tụ điểm phức tạp, triệt xóa 79 điểm, tụ điểm; xử lý hình sự 786 đối tượng; xử lý hành chính 1.038 đối tượng. Đấu tranh với tội phạm lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ nhạy cảm 1221 vụ/6521 đối tượng, trong đó, xử lý hình sự 1.0018 vụ/2334 đối tượng; xử lý hành chính 203 vụ/4191 đối tượng; bắt, vận động đầu thú, thanh loại 379 đối tượng truy nã về ma túy.