Lực lượng bảo vệ ANTT tham gia giải quyết nhiều công việc ở cơ sở

Thứ Ba, 20/06/2023, 16:07

Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự (BVANTT) ở cơ sở ra đời không chỉ phục vụ cho ANTT mà còn phục vụ cho nhiều công việc khác tại cơ sở. Điều này rất quan trọng ở vùng sâu, vùng xa và đặc biệt quan trọng đối với các đô thị.

Tiếp tục phiên họp Quốc hội ngày 20/6, sau khi nghe tờ trình và thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở. Các đại biểu tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật do Chính phủ trình, vì đã khái quát đầy đủ và tương đối thống nhất với nội dung dự thảo luật, phù hợp với mục tiêu xây dựng luật. 

Phát biểu tại tổ, Trung tướng Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) cho biết, theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, gần 10 năm nay, lực lượng Công an không được tăng biên chế. “Vừa qua, Công an TP Hà Nội đã có đoàn công tác sang làm việc với Tổng cục Bộ Nội vụ Liên bang Nga. Khi biết biên chế của Công an Hà Nội, phía bạn hỏi tôi với tỷ lệ như vậy, làm sao các đồng chí có thể hoàn thành nhiệm vụ? Tôi thông tin, chúng tôi có "thế trận lòng dân", có phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, có bảo vệ dân phố, dân phòng. Nghe xong, bạn rất thán phục” – Trung tướng Nguyễn Hải Trung chia sẻ và cho biết, việc thành lập lực lượng BVANTT ở cơ sở không phải là vấn đề mới, mà chỉ là tổ chức lại các lực lượng đang có, trên cơ sở các quy định pháp luật hiện có để đảm bảo tính chính danh, có địa vị pháp lý, chức năng nhiệm vụ rõ ràng, giúp thuận lợi hơn cho quá trình hoạt động sau này, không gây tốn kém.

hải trung.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn TP Hà Nội) phát biểu tại tổ.

“Khi tổ chức lại lực lượng này, chính quyền cơ sở sẽ sử dụng vào nhiều việc chứ không chỉ bảo vệ ANTT. Điển hình như đợt dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta đã làm rất tốt việc huy động lực lượng tham gia vào phòng, chống dịch. Hiện nay, tổ dân phố chỉ có 3 cán bộ bán chuyên trách, nhưng lại có rất nhiều việc ở cấp cơ sở. Do vậy, lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở ra đời không chỉ phục vụ cho ANTT mà còn phục vụ cho nhiều công việc khác tại cơ sở. Điều này rất quan trọng ở vùng sâu, vùng xa, và đặc biệt quan trọng đối với các đô thị như TP Hà Nội” – Trung tướng Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh. 

Nói về sự cần thiết của lực lượng này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận (đoàn Cần Thơ) nhất trí về sự cần thiết ban hành luật và thấy rằng, việc Chính phủ đề xuất xây dựng, ban hành luật là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm ANTT ở cơ sở đã được xác định trong các văn bản của Đảng; cụ thể hóa Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Chính quyền cơ sở sẽ sử dụng lực lượng bảo vệ ANTT vào nhiều việc chứ không chỉ bảo vệ an ninh, trật tự -0
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (đoàn Cần Thơ) phát biểu.

“Lực lượng Công an cấp xã đã được tổ chức, bố trí toàn diện, đồng bộ, thống nhất, chính quy và lực lượng này thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở địa bàn cấp xã. Các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay đều có chung chức năng là lực lượng tham gia hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT và cần thiết phải kiện toàn thống nhất các lực lượng này thành một lực lượng có chung vị trí, chức năng để không chồng chéo với vị trí, chức năng của lực lượng Công an xã chính quy” – đại biểu Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh. 

Đại biểu cũng cho biết, về pháp lý đây không phải lực lượng thành lập mới mà thực chất là sắp xếp, tổ chức lại lực lượng đã có, gồm Công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố; đội trưởng, đội phó đội dân phòng đang hoạt động từ trước đến nay và đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thành một lực lượng. “Đây là lực lượng tại chỗ, do chính quyền thành lập; được xây dựng trên cơ sở kế thừa pháp luật hiện hành đang quy định đối với các lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá” – Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận khẳng định.

Nói về lực lượng này, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) phân tích, thực tế hiện nay, tất cả vụ việc liên quan đến ANTT như: tranh chấp, khiếu kiện, xung đột đều diễn ra tại địa bàn cơ sở thôn, buôn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư. Vì vậy, lực lượng này sẽ làm cầu nối, cánh tay nối dài của lực lượng Công an xã chính quy. Trong đó, lực lượng Công an xã bán chuyên trách có nhiều người được đào tạo đến trung cấp CAND nên có trình độ, khả năng công tác. "Đây là lực lượng từ nhân dân mà ra, am hiểu phong tục, tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, nắm tình hình trong dân tốt hơn", đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh một lần nữa về sự cần thiết ban hành luật.

ca6a94927c6cad32f47d-619.jpg -0
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắc) phát biểu.

Đại biểu nêu thực tế, Công an xã chính quy đã được bố trí 100% trên địa bàn toàn quốc nhưng số lượng còn khá mỏng, có những xã ở địa bàn Tây Nguyên có 5 cán bộ Công an xã nhưng vẫn phải thực hiện tất cả yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ANTT. Cho nên, nếu không có lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở hỗ trợ thì Công an xã chính quy sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ. 

trần hoàng ngân.jpg -0
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ về sự cần thiết xây dựng lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), với tinh thần từ Quốc hội khóa XIV, việc xây dựng lực lượng tham gia BVANTT là rất là cần thiết. Đại biểu bày tỏ mong muốn dự thảo luật này được xây dựng bởi tình hình ANTT ở một số cơ sở còn rất phức tạp trong khi lực lượng Công an chính quy còn mỏng. Đại biểu lấy dẫn chứng về thực trạng ANTT ngay tại khu phố bản thân sinh sống và cho rằng, xây dựng lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở là rất tốt và cần thiết.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở cần phải được củng cố, cần thiết phải được luật hóa; đề nghị phải làm rõ nội dung lực lượng tham gia BVANTT ở cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ trật tự an toàn xã hội…

Phương Thuỷ
.
.
.