Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND được cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5
Chủ tịch Quốc hội lưu ý điều quan trọng nhất là tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ, nếu gấp quá sẽ không đảm bảo và chất lượng sẽ bị hạn chế. Do đó, tinh thần là “những thứ không đảm bảo chất lượng và quy trình thì đến phút bù giờ vẫn phải bỏ lại”.
Sáng 10/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 22 cho ý kiến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Quốc hội dự kiến thông qua và cho ý kiến 16 luật và 4 nghị quyết
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nhiệm kỳ này công tác lập pháp có tính hệ thống, bài bản, trong kế hoạch có 137 nhiệm vụ đề xuất cho cả nhiệm kỳ đến nay đã thực hiện xong 111 nhiệm vụ, 24 nhiệm vụ đã chuyển thành đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Nhiều nhiệm vụ sẽ được xem xét thời gian tới, thậm chí đã rà soát các nhiệm vụ lập pháp đến tận năm cuối của nhiệm kỳ. Về dự kiến chương trình năm 2024, nếu không có gì thay đổi thì sẽ có cả sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Bản dạng giới. Đây cũng là nét mới, một số khoá trước cũng đã có sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội nhưng chưa được thông qua. Ngoài ra, một số dự án đã được thảo luận ở nhiệm kỳ Quốc hội trước, nhưng chưa được thông qua, lần này sẽ trình Quốc hội xem xét có đưa vào chương trình hay không. Nội dung này sẽ được bàn trong phiên họp chuyên đề pháp luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngay sau phiên họp 22 và thẩm quyền quyết định là của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ V, Quốc hội khoá XV tới đây là kỳ họp hết sức quan trọng, rơi vào giữa nhiệm kỳ Quốc hội nên công tác lập pháp rất nặng. “Kỳ họp thứ 5, Quốc hội dự kiến thông qua và cho ý kiến 16 dự án luật và 4 dự thảo nghị quyết, có thể nói gấp đôi bình thường” – Chủ tịch Quốc hội cho biết và lưu ý điều quan trọng nhất là tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ, nếu gấp quá sẽ không đảm bảo và chất lượng sẽ bị hạn chế. Do đó, tinh thần là “những thứ không đảm bảo chất lượng và quy trình thì đến phút bù giờ vẫn phải bỏ lại”. Ngoài ra, Kỳ họp thứ 5 xem xét, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 và kết quả sơ bộ, kế hoạch 2023 cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.
Dự kiến thời gian kỳ họp này khá dài nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc có thể tách làm 2 đợt để các đại biểu kiêm nhiệm có thể giải quyết vấn đề cấp bách ở địa phương và các cơ quan trình có thêm thời gian trình, chuẩn bị. Trường hợp đã chuẩn bị kỹ lưỡng, mọi thứ sẵn sàng thì có thể họp liên tục.
Về nội dung xem xét, báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải thực hiện việc này và dần đưa vào nề nếp theo tinh thần thượng tôn pháp luật và cho rằng, việc ban hành một văn bản sai gây hậu quả nghiêm trọng, gây ách tắc các vấn đề lại chưa được đánh giá, xem xét kỹ lưỡng trách nhiệm.
Cho ý kiến và thông qua 2 dự án, dự thảo theo quy trình 1 kỳ họp
Trình bày Tờ trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2023, Chính phủ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án luật. Sau khi điều chỉnh Chương trình thì tổng số là 15 dự án. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 dự án, theo đó, Chính phủ tiếp tục phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 dự án…
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở các nguyên tắc lập đề nghị Chương trình, Chính phủ đề nghị với Chương trình Kỳ họp thứ 5, bổ sung trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp đối với 2 dự án, dự thảo: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)…Đồng thời, với Chương trình Kỳ họp thứ 6, bổ sung trình Quốc hội thông qua 6 dự án, là các dự án đang đề nghị bổ sung vào Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5; trình Quốc hội cho ý kiến đối với 3 dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và Luật Thủ đô (sửa đổi)…Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2024 gồm 14 dự án. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 7, trình Quốc hội thông qua 5 dự án, là các dự án Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, gồm: 2 dự án đã có trong Chương trình theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội; 3 dự án đang được đề nghị bổ sung vào Chương trình theo Tờ trình này….Tại Kỳ họp thứ 8, trình Quốc hội thông qua 7 dự án, là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án: Luật Dân số (sửa đổi) và Luật Việc làm (sửa đổi)
Kiến nghị thảo luận thấu đáo Luật Đất đai (sửa đổi)
Tại phiên họp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình tóm tắt đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Pháp lệnh chi phí tố tụng; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi); Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trình bày tóm tắt Tờ trình xây dựng về Luật Bản dạng giới.
Sau đó, các đại biểu tập trung cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, cho ý kiến việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 và tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV…
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy và nhiều đại biểu ủng hộ phương thức tổ chức kỳ họp theo 2 đợt, trong đó có 1 tuẩn để cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến đại biểu kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng tốt hơn
Về Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, bên cạnh thảo luận tổ, cần bố trí 1 ngày thảo luận ở hội trường về nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng cần tiếp tục thảo luận tại tổ Luật Đất đai (sửa đổi) để tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các đại biểu, qua đó chọn lọc vấn đề thấu đáo cho phiên thảo luận tập trung tại hội trường.