Luật Đất đai (sửa đổi) phải giải quyết sự chồng chéo giữa các bộ luật
Việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai 2013 đã tạo điều kiện cho các chủ thể quản lý, sử dụng hiệu quả hơn. Theo số liệu thống kê năm 2020, tổng diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng là 26.842.798 ha, chiếm 81,04% tổng diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn những hạn chế, bất cập, chồng chéo, gây khó khăn khi triển khai trong thực tiễn.
Ngày 28/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Đại học Lâm nghiệp và Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, nhằm thảo luận, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai.
Đất đai là nguồn lực quan trọng, to lớn của đất nước; là tài sản của quốc gia, của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; là tư liệu sản xuất đặc biệt, chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp. Việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất cùng với các chế định về chế độ sử dụng đất theo Luật đất đai 2013 đã tạo điều kiện cho các chủ thể quản lý, sử dụng hiệu quả hơn.
Theo số liệu thống kê năm 2020, tổng diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng là 26.842.798 ha, chiếm 81,04% tổng diện tích tự nhiên, trong đó: hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng 15.875.758 ha, chiếm 47,93% tổng diện tích tự nhiên, bằng 59,14% diện tích đất của các đối tượng sử dụng; các tổ chức trong nước đang sử dụng 10.568.289 ha, chiếm 31,91% tổng diện tích tự nhiên và bằng 39,37% diện tích đất đã giao cho các đối tượng sử dụng.
Tuy nhiên, chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn những hạn chế, bất cập; chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, thiếu tầm nhìn dài hạn. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; tài chính đất đai và giá đất còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong triển khai thực tiễn…
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 6/2021, kết quả kiểm tra, rà soát các dự án, công trình đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; có thông báo thu hồi đất; có chủ trương đầu tư nhưng không sử dụng đất hoặc chậm đưa đất vào sử dụng là 3.790 dự án, công trình với tổng diện tích là 219.991,80 ha. Tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất diễn ra ở nhiều nơi. Việc bố trí đất đai cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thậm chí khu công nghệ cao, nhiều nơi còn chưa hợp lý; tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp thấp. Quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp diễn ra chậm; ruộng đất manh mún, lợi nhuận sản xuất nông nghiệp thấp, nhiều rủi ro dẫn đến ruộng đất bị bỏ hoang hóa.
Từ thực trạng đó, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam kiến nghị, các công ty nông, lâm nghiệp được Nhà nước giao đất có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo phương án sử dụng đất được phê duyệt. Diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, hoặc không sử dụng; đất giao khoán không đầu tư; đất cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trái quy định; đất bị lấn, bị chiếm và đang có tranh chấp bàn giao về địa phương quản lý. Về tích tụ đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Tiến đề nghị, tại Khoản 3: “Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tích tụ đất đai theo quy định của pháp luật đất đai; ứng dụng khoa học, công nghệ để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất đã tích tụ”.
GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, ông hy vọng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải là luật của cuộc sống, cho nên việc tiếp sức sống cho bộ luật này là trách nhiệm của mọi người, các nhà khoa học, các chuyên gia. Theo GS.TS Phạm Văn Điển, hiện có một số quy định chưa thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Lâm Nghiệp như: Thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất thì hiện nay chúng ta đang cần phải có cái so sánh đối chiếu để tạo ra sự thống nhất giữa hai Luật. Luật cần phải bổ sung người đại diện khi có quy định về tích tụ tài sản lâm nghiệp ở trên đất. “Mấu chốt là thực thi quyền sở hữu đất đai quy định ở điều 14 và điều 15 cần phải rõ hơn nữa. Trong tất cả các bước thì thực thi quyền sở hữu (đại diện là nhà nước) luôn cần sự có mặt của các thành viên trong hội đồng nhân dân. Mặt khác, việc thiết lập thành pháp lệnh thì phải thực thi thật nghiêm, như thế Luật mới vào được cuộc sống”, GS.TS Phạm Văn Điển bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tác động đến 7 luật chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, gồm các Luật: Lâm nghiệp, Trồng trọt, Đê điều, Phòng, chống thiên tai, Chăn nuôi, Thủy sản và Thủy lợi. Để đảm bảo cơ sở thực hiện, giải quyết được các vướng mắc, chồng chéo hiện nay của Luật Đất đai với các Luật chuyên ngành, đề nghị việc sửa Luật cần phải tiệm cận, thống nhất với các Luật chuyên ngành khác khi áp dụng nguyên tắc pháp luật tại Điều 4 của Dự thảo.
TS. Nguyễn Bá Long, Viện trưởng Viện Quản lí đất đai và phát triển nông thông, Trường ĐH Lâm Nghiệp đề xuất, thành phần hội đồng thẩm định giá đất phải có đại diện của Hội đồng nhân dân. Như vậy mới đảm bảo tính độc lập, khách quan, cơ chế giám sát và hạn chế quyền lực tập trung vào cơ quan quản lý hành chính như hiện nay.
“Tôi đề nghị, hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác ở địa phương nơi có đất bị thu hồi thì được Nhà nước bố trí tái định cư thông qua hình thức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất và được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở theo quy định của pháp luật.”, TS. Nguyễn Bá Long cho hay...