"Loạn" giá kit xét nghiệm COVID - vai trò "Tư lệnh" điều hành ở đâu?

Thứ Năm, 21/10/2021, 13:00

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trịnh Xuân An cho rằng, với vai trò "Tư lệnh" điều hành chống dịch, Bộ Y tế cần định hướng cho địa phương để tránh "loạn giá" kit xét nghiệm; tình trạng sợ trách nhiệm, sợ không dám đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế...

Sáng nay (21/10), Quốc hội thảo luận tại tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm 2022-2024 (trong đó, có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Có tình trạng run rẩy, sợ trách nhiệm không dám quyết

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhận định, các báo cáo rất thẳng thắn, là những văn bản ra đời trong bối cảnh khó khăn nhưng đã đánh giá khách quan, toàn diện, cung cấp cho đại biểu những góc nhìn hữu ích để tham gia thảo luận, góp ý các quyết sách. Bày tỏ sự đồng tình các nhóm giải pháp trong báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng trình bày và phần bổ sung của Ủy ban Kinh tế, đại biểu cho rằng, trong hoàn cảnh "nước sôi lửa bỏng" cho thấy tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao. "Chúng ta có những tổn thất, không đạt mục tiêu, nhưng nếu đi đúng hướng, có sách lược thì sẽ chiến thắng đại dịch và quay lại đà phát triển", đại biểu tin tưởng.

Loạn giá kit xét nghiệm COVID - vai trò
ĐBQH Trịnh Xuân An thảo luận tại tổ.

Về công tác điều hành, ông đánh giá cao vai trò tích cực chủ động, sát sao của các cơ quan lập pháp, hành pháp các bộ, ngành, tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo, điều hành mà không thể cứ đổ lỗi do COVID. Chẳng hạn, Thủ tướng gọi điện trực tiếp đến cấp xã nhưng cấp tỉnh có những đồng chí không nắm được nội dung. Trong điều hành KTXH có tình trạng lo lắng quá, run rẩy sợ trách nhiệm không dám quyết.

"Lo thì đúng nhưng sợ mà run quá không dám đưa ra các quyết sách thì không ổn. Chúng ta cần chuyển trạng thái căng ra chiến đấu với COVID-19 sang điều hành linh hoạt, hiệu quả; đồng thời phải chấn chỉnh một cách nghiêm khắc đối với những vị trí, cá nhân không làm tròn bổn phận, trách nhiệm", đại biểu nhấn mạnh.

Về nguồn lực cho phát triển KTXH, ĐBQH Trịnh Xuân An chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Tài chính - người cầm "hầu bao" vì vừa qua mình chi rất nhiều để phòng, chống dịch, song ông đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại, có giải pháp phù hợp để Nhân dân tin tưởng là chúng ta vẫn có đủ nguồn lực để cân đối, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Vì ngoài cổ phần hóa các doanh nghiệp thì có thể xử lý nợ đọng thuế, huy động các nguồn lực trong xã hội. Ngoài ra, mặc dù ngân sách Trung ương năm 2021 hụt thu nhưng thu địa phương vẫn tăng, trong đó có 2 nguồn là đất đai và dầu thô; nông nghiệp phát triển được, xuất khẩu vẫn có...

ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng chia sẻ với những khó khăn, vất vả, sự hy sinh không hề nhỏ của đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu phòng, chống dịch; song cũng băn khoăn về vai trò "Tư lệnh" điều hành của Bộ Y tế thời gian qua. Đặc biệt, trong phát huy nguồn lực y tế tư nhân, việc định hướng cho địa phương để tránh tình trạng "loạn" giá kit xét nghiệm như trong báo cáo của Ủy ban Xã hội. "Bộ Y tế cho biết, Bộ không định giá mà mỗi địa phương tự thực hiện, nhưng mình là "Tư lệnh", là cơ quan điều hành phải có chỉ đạo, không thể để như vậy được", ông nêu quan điểm.

Còn tình trạng một số bệnh viện lớn sợ trách nhiệm, không dám đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế chống dịch mà chỉ huy động qua kênh tài trợ; có chuyện "lùm xùm" vaccine đối với các doanh nghiệp. "Vai trò của người điều hành trong lĩnh vực y tế như thế nào? Chúng ta đang chuyển trạng thái, phấn đấu linh hoạt và an toàn nên vai trò của Bộ Y tế thời gian tới rất quan trọng", đại biểu phân tích thêm.

Loạn giá kit xét nghiệm COVID - vai trò
Toàn cảnh phiên thảo luận.

Cũng liên quan vấn đề phòng, chống dịch, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, trong công tác chống dịch cần có nguồn lực dự trữ quốc gia và mua sắm tập trung, có sự điều tiết của Chính phủ và Bộ Y tế. Trong khi dịch bệnh diễn biến rất nhanh và khó lường, bất cứ lúc nào cũng có thể gây thảm họa nên việc dữ trữ mua sắm, đấu thầu không theo kịp diễn biến của dịch. Khi dịch bùng phát thì mình thiếu, dịch hết đi thì thừa.

Ngành Y tế Hà Nội hiện vẫn đang hết sức nỗ lực trong công tác chống dịch, tuy nhiên suốt một tháng vừa qua vừa ngày đêm chống dịch, vừa tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra. Theo đại biểu, ngành Y tế rất cần cơ chế, chính sách vì mặc dù Nghị quyết của Quốc hội đã có tháo gỡ nhưng việc tổ chức thực hiện vô cùng quan trọng. "Ngành Y tế Hà Nội đã trả giá vụ án của CDC Hà Nội, chính vì vậy, anh em rất lo lắng. Tất nhiên chúng tôi hiểu mình không sai thì không sợ, tuy nhiên với việc giải trình hồ sơ liên tục như vậy sẽ gây tâm lý hoang mang", Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay.

Bối cảnh cấp bách nhưng vẫn "trên nóng dưới lạnh"

"ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) bày tỏ chia sẻ và xúc động trước cách điều hành của Thủ tướng, sự dấn thân vào tâm dịch và sử dụng công nghệ để điều hành, qua đó đã làm bộc lộ những sơ hở để có giải pháp tốt hơn nữa. Vừa qua, Trung ương họp đánh giá cao đường lối chống dịch. Trong đó KTXH có điểm nhấn là sự đồng hành, phối hợp của Quốc hội đối với Chính phủ rất chặt chẽ.

Về dự kiến kế hoạch phát triển KTXH 2022, báo cáo Thủ tướng đưa ra 16 chỉ tiêu và 12 giải pháp chủ yếu thực hiện mục tiêu sớm mở cửa trở lại, phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, đây là mục tiêu kỳ vọng, các giải pháp tương đối lạc quan. Thực tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro ngoài dự báo, đòi hỏi có sự linh hoạt điều chỉnh trong thực hiện các mục tiêu. Ông đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế trong điều kiện mới, chủ động thích ứng an toàn; khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động ở một số địa phương.

"Tình hình lao động, công nhân các tỉnh phía Nam di chuyển về quê, đặt ra yêu cầu rất lớn với Đảng, Nhà nước, phải có cơ chế chính sách quan tâm đến lực lượng lao động này để họ yên tâm lao động, sản xuất, quay lại nhà máy", đại biểu nêu. Cùng với đó là phục hồi ngay sản xuất công nghiệp, các chuỗi cung ứng sản xuất bị đứt gãy như dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản... Có phương án đón khách du lịch - lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh lần này.

"Chúng ta phải cân đối giữa an toàn với phát triển kinh tế, nhưng cũng đến lúc quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Đề nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, thực hiện hết sức quyết liệt. Vừa rồi, bối cảnh cấp bách như chiến tranh, Trung ương chỉ đạo quyết liệt nhưng "trên nóng dưới lạnh", cuối cùng người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề", ĐBQH Trần Văn Khải nhấn mạnh.

An Quỳnh
.
.
.