Làm rõ "trường hợp cần thiết" HĐND cấp huyện được phân bổ ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ Ba, 16/01/2024, 15:53

Theo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lò Thị Luyến (Điện Biên), "trường hợp cần thiết" là trường hợp nào, trường hợp nào là không cần thiết hiện chưa làm rõ? Đồng thời, đại biểu đề nghị phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều 16/1, Quốc hội thảo luận thảo luận tại hội trường dự thảo nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Làm rõ
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và thực hiện Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 29, ngày 8/1, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết và đã có Tờ trình về dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua tại kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Dương Khắc Mai (Đắk Nông) dẫn quy định, tại điểm c, khoản 2, Điều 4 một số nội dung về nguyên tắc thực hiện là "hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung dự toán thực hiện các dự án thành phần khác trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia phải đảm bảo không vượt tổng dự toán ngân sách Nhà nước được cấp có thẩm quyền giao...; không vượt quá tổng mức vốn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch cho từng chương trình".

Làm rõ
ĐBQH Dương Khắc Mai.

Đại biểu băn khoăn, "cấp có thẩm quyền" là cấp nào, Trung ương hay địa phương? Và quy định nội dung "không vượt tổng mức đầu tư đã được giao", như vậy nếu dự án vướng, không thực hiện được thì được điều chỉnh như thế nào? "Cụ thể như dự án 2 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông vướng quy hoạch bô-xít đến 80%, không thể triển khai thì có được phép chuyển nguồn vốn dự án này cho dự án khác thuộc chương trình hay không?" - đại biểu lấy ví dụ và cho biết, nếu không quy định rõ thì "cũng đâu có điều chỉnh được, rồi phải xin ý kiến Trung ương".

Về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm, dự thảo nghị quyết quy định theo hướng HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia, chi tiết đến dự án thành phần. Trường hợp cần thiết, HĐND cấp tỉnh quyết định phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định.

Làm rõ
ĐBQH Lò Thị Luyến.

ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) đặt vấn đề, "trường hợp cần thiết" là trường hợp nào, trường hợp nào là không cần thiết hiện chưa làm rõ? Đồng thời, đại biểu đề nghị phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần.

Đồng quan điểm, ĐBQH Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) cho rằng, cần làm rõ, "trường hợp cần thiết" là trường hợp nào để HĐND tỉnh có cơ sở giao cho cấp huyện thực hiện nếu huyện đáp ứng được yêu cầu, hoặc trường hợp giao cho cấp huyện phân bổ chi tiết sẽ thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện. "Ngoài ra, tại điểm b, khoản 4, Điều 4, Cơ quan soạn thảo cũng cần làm rõ, khi nào thì thanh toán theo giá thị trường, khi nào thì theo định mức hỗ trợ của HĐND?", bà nêu ý kiến.

Làm rõ
ĐBQH Trần Văn Tiến.

Liên quan vấn đề này, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị cần làm rõ điều kiện hoặc nguyên tắc về "trường hợp cần thiết" để thống nhất tại các địa phương. Đồng thời, ông cũng đề nghị làm rõ về phương pháp xác định giá thị trường tại điểm b, khoản 4, Điều 4 để có sự thống nhất thực hiện giữa các địa phương.

Theo ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hoá), nên xem xét giao HĐND cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần. Qua đó, giúp các huyện chủ động và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn, hiệu quả. "Cần phải quy định rõ tiêu chí, nguyên tắc phân bổ để các địa phương thực hiện đảm bảo đúng mục đích, thực hiện tốt các mục tiêu của chương trình đề ra, tránh tình trạng phân bổ một cách chủ quan, tập trung vào một số dự án cụ thể...", ông góp ý.

Quỳnh Vinh
.
.
.