Làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Thứ Ba, 15/10/2024, 18:06

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có thông báo Kết luận phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) Dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam (phiên họp lần thứ 2).

Kết luận tại phiên họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo NCTKT Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam (phiên họp lần thứ 2), tổ chức ngày 14/10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để bảo đảm tiến độ, chất lượng Báo cáo NCTKT Dự án, một trong những nội dung Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần nghiên cứu kỹ cần lưu ý làm rõ đó là về phương án đầu tư và hiệu quả của Dự án: Theo đó, về phương án đầu tư, cần làm rõ các thông số về quy mô đầu tư các hạng mục Dự án trên cơ sở phân tích, đánh giá sự tuân thủ khung tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án, thực tiễn các dự án tương đồng trên thế giới và phù hợp với hoàn cảnh, các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam -0
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp.

Theo Hội đồng thẩm định nhà nước (Hội đồng TĐNN), trong quá trình thẩm định Báo cáo NCTKT Dự án, Bộ GTVT đã lập Đề án chủ trương đầu tư xây dựng ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương thông qua chủ trương đầu tư Dự án, trước khi Hội đồng TĐNN hoàn thành việc thẩm định như các dự án quan trọng quốc gia khác và đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành trung ương đã có ý kiến thống nhất chủ trương đầu tư Dự án với các nội dung lớn của Dự án. Đây là định hướng cho việc thẩm định Báo cáo NCTKT Dự án.

Ngày 4/10/2024, Bộ KH&ĐT (Cơ quan thường trực Hội đồng TĐNN) nhận được hồ sơ Dự án (theo phương thức đầu tư công) gửi kèm theo Tờ trình số 10625/TTr-BGTVT ngày 2/10/2024 của Bộ GTVT, trong đó, hồ sơ Dự án sau hoàn chỉnh thay đổi cơ bản so với nội dung trình trước đây đã được Hội đồng TĐNN và Tư vấn thẩm tra cho ý kiến, cụ thể: Kết quả dự báo nhu cầu vận tải (tăng nhu cầu vận tải hành khách); Phương thức vận tải (chuyển từ vận tải hành khách sang vừa vận tải hành khách vừa chở hàng hóa); Tải trọng trục (nâng từ 17 tấn/trục thành 22,5 tấn/trục); Tổng mức đầu tư (nâng từ 58 tỷ USD thành 67,34 tỷ USD); Thay đổi mô hình quản lý vận hành khai thác; Phương thức đầu tư (chuyển từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư công); Tiến độ đầu tư (giảm 10 năm); Bổ sung các cơ chế đặc biệt…

Để bảo đảm tiến độ, chất lượng Báo cáo NCTKT Dự án, Hội đồng TĐNN đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu kỹ Báo cáo kết quả thẩm định của Tổ CGTĐLN, Báo cáo thẩm tra của Tư vấn thẩm tra, ý kiến của các thành viên Hội đồng, ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành liên quan, tiếp thu tối đa và khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ Báo cáo NCTKT Dự án.

Trong đó, trên cơ sở các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương và Thường trực Chính phủ, đề nghị Bộ GTVT tiếp thu, rà soát kỹ và bổ sung đầy đủ trong nội dung hồ sơ Dự án bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Rà soát kỹ về số liệu dự bảo nhu cầu vận tải (hành khác, hàng hoá) trên hành lang Bắc -Nam bảo đảm sự tin cậy và phù hợp, tương đồng với các dự án trên thế giới.

Làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam -0
Đề nghị Bộ GTVT chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung, tính chính xác các số liệu trong hồ sơ Dự án. (ảnh minh hoạ)

Về nguồn vốn, khả năng cân đối vốn: Thuyết minh làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho Dự án bảo đảm khả thi và đúng quy định pháp luật.

Về cơ chế chính sách đặc biệt: Rà soát tổng thể các nhóm cơ chế chính sách đặc biệt nêu trong hồ sơ, tài liệu Dự án; rà soát kỹ lưỡng, làm rõ các cơ chế, chính sách thật sự cần thiết đối với Dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính khả thi thực hiện. Làm rõ các đề xuất cơ chế chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ; tìm kiến vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có chi phí thấp. Nghiên cứu, xem xét các đề xuất của Thành viên Hội đồng, trong đó có đề xuất cơ chế, chính sách đặc biệt cho phép trong bước tiếp theo điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan...

Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ Dự án trên cơ sở giải trình tiếp thu tối đa các ý kiến như đã nêu trên. Trên cơ sở ý kiến biểu quyết của Hội đồng, giao Cơ quan thường trực của Hội đồng hoàn thiện Báo cáo kết quả thẩm định của Hội đồng, trình Chủ tịch Hội đồng ký trình Chính phủ trong ngày 17/10/2024.

 Dự án dự kiến sẽ đi qua 20 tỉnh/thành phố, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.

Về quy mô đầu tư: xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541km với 23 ga hành khách (mỗi tỉnh bố trí 1 ga, riêng Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận mỗi tỉnh bố trí 2 ga). Để đảm bảo phục vụ quốc phòng an ninh, vận tải hành hóa khi có nhu cầu, trên tuyến bố trí 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn, thuận lợi phục vụ công tác hậu cần quốc phòng, an ninh, liên vận quốc tế.

Trân Trân
.
.
.