Lâm Đồng "khát" người bảo vệ rừng

Thứ Ba, 30/08/2022, 07:29

Trách nhiệm cao, áp lực công việc lớn trong khi chế độ tiền lương không phù hợp đã khiến rất nhiều người đang công tác trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng trực thuộc các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp và hạt kiểm lâm ở Lâm Đồng gần đây đồng loạt xin nghỉ việc, bỏ việc.

Một cán bộ kiểm lâm quản lý 10.000ha rừng

Hiện tỉnh Lâm Đồng đang có 539.403ha rừng, trong đó 455.320ha rừng tự nhiên và 84.082ha rừng trồng. Theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, mỗi khu vực có rừng sẽ do một kiểm lâm địa bàn là lực lượng chuyên trách phụ trách, theo dõi tình hình, tham mưu cho ngành và chính quyền sở tại về công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Theo quy định, cứ 700ha rừng sẽ có một kiểm lâm địa bàn quản lý. Tuy nhiên, nhiều năm qua, do thiếu lực lượng quản lý, bảo vệ và giữ rừng, không ít kiểm lâm địa bàn ở Lâm Đồng đang phải làm việc gấp 2, 3 lần so với quy định. Thậm chí có những nơi một cán bộ kiểm lâm phải quản lý địa bàn hơn 10.000ha rừng. Gần đây, do áp lực, trách nhiệm ngày càng cao trong khi chế độ đãi ngộ, tiền lương chưa tương xứng với tính chất, mức độ của công việc, rất nhiều nhân viên quản lý, bảo vệ rừng đã bỏ việc hoặc xin nghỉ việc. Điều này càng khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn.

Hiện ở tất cả các đơn vị chủ rừng và nhiều hạt kiểm lâm trên địa bàn Lâm Đồng đang thiếu nhân lực quản lý và bảo vệ rừng so với quy định. Cụ thể, tại Chi Cục kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, trong vòng hơn 1 năm qua, do áp lực công việc đã có 21 công chức xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc xin chuyển công tác khiến đơn vị này hiện còn thiếu tới 29 công chức. Tương tự, tại Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, Vườn Quốc gia Cát Tiên, nhất là ở các Ban quản lý rừng… cũng đang thiếu chỉ tiêu viên chức kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 13 Ban quản lý rừng và 1 Ban quản lý khu du lịch, được giao 2 biên chế công chức và 425 biên chế viên chức. Các Ban quản lý rừng hiện nay đang thiếu tới 84 vị trí bảo vệ rừng. Trong vòng hơn 1 năm qua, 21 người đã xin nghỉ hưu trước tuổi, 27 người xin chuyển công tác và 47 người xin thôi hoặc tự bỏ việc tại các Ban quản lý rừng.

Lâm Đồng
Công tác bảo vệ rừng ở Lâm Đồng ngày càng khó khăn do thiếu nhân lực.

Ông Võ Kim Lan, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà cho biết, đơn vị đang quản lý hơn 34.128ha rừng phòng hộ và là địa bàn đang khá phức tạp, áp lực công việc rất cao. Hiện đơn vị đang thiếu nhân viên quản lý rừng nhưng nhiều năm qua không tuyển dụng được. "Một số nhân viên trẻ, tuyển dụng vào làm việc được thời gian ngắn do không chịu được áp lực công việc nên đã bỏ việc!..", ông Lịch nói. Trong khi đó,  số người đang công tác xin nghỉ hưu trước tuổi hoặc bỏ việc lại tiếp tục tăng mạnh trong thời gian gần đây. Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, hiện có khoảng 20 cán bộ đang công tác trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng sắp tới tuổi nghỉ hưu, hoặc đang có nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi khiến nhân sự trong lĩnh vực này ngày càng "khát".

Ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết, trước thực trạng trên, đơn vị đã phải làm công tác tư tưởng, động viên những người đang có nguyện vọng nghỉ hưu sớm hoặc chuyển công tác tiếp tục ở lại làm việc trong giai đoạn chưa thể tuyển dụng được nhân sự như hiện nay. 

Trách nhiệm cao nhưng lương không đủ sống

Ông Nguyễn Minh Lịch, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) cho biết, mức lương của người làm công tác quản lý bảo vệ rừng rất thấp trong khi lại phải thường xuyên sống xa nhà. Công việc vất vả, rủi ro cao bởi phải đi tuần tra rừng cả ngày và đêm, thậm chí phải thường xuyên đối mặt với sự hung hãn của các đối tượng sẵn sàng chống đối lực lượng bảo vệ rừng.

Thực tế, đã có rất nhiều trường hợp nhân viên bảo vệ rừng ở Lâm Đồng bị "lâm tặc" đe dọa, hành hung phải nhập viện điều trị. Những người làm công tác bảo vệ rừng được giao trách nhiệm nặng nề nhưng chức năng, quyền hạn rất hạn chế (không được bắt giữ người và phương tiện vi phạm khi phát hiện được vi phạm), trang thiết bị thiết yếu trong công việc chưa được cấp phát đầy đủ, phương tiện đi lại chủ yếu là của cá nhân, điều kiện làm việc khó khăn, vất vả, nhất là vào mùa mưa… nên họ luôn phải đối diện với rủi ro cao trong công việc. Riêng lực lượng kiểm lâm, dù có đủ thẩm quyền, cơ chế hỗ trợ nhưng kiểm lâm địa bàn nhiều nơi phải phụ trách địa bàn của 2, 3 xã, rất khó quán xuyến hết công việc được giao. Trách nhiệm công việc cao, áp lực lớn nhưng lương và các khoản trợ cấp của một nhân viên bảo vệ rừng mỗi tháng chỉ trên dưới 4 triệu đồng. "Không làm thêm những công việc khác thì không đủ sống, nói chi đến nuôi gia đình. Vì vậy hầu hết những người làm công tác này đều phải dành khoảng thời gian nhất định để làm nông và một số công việc khác!..", ông Nguyễn Minh Lịch cho biết.

Theo ông Đào Duy Lâm, Trạm Phó Trạm Quản lý rừng Liêng Srônh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpôk (huyện Đam Rông), trung bình mỗi nhân viên bảo vệ rừng ở đây phải quản lý 2.000ha rừng. Tiền lương mỗi tháng đã ít, hằng ngày những người làm công tác bảo vệ rừng gần như phải bỏ tiền túi để đổ xăng xe máy đi tuần tra rừng. "Công việc khổ cực và tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Vì vậy, hiện nay lao động trẻ là viên chức, thậm chí là công chức được tuyển dụng theo diện thu hút... cũng có những người đã nộp đơn xin nghỉ việc sau một thời gian ngắn!..", ông Đào Duy Lâm nói.

Theo Sở NNPTNT Lâm Đồng, việc tuyển dụng viên chức và hợp đồng lao động gặp nhiều khó khăn do không có thí sinh dự thi. Một số đơn vị phải chủ động tìm kiếm và vận động người lao động tham gia tuyển dụng. Tuy nhiên, với mức lương theo hệ số 2,34 đối với bậc đại học, 1,86 đối với bậc cao đẳng và trung cấp không đảm bảo được cơ bản yêu cầu cuộc sống cá nhân nên rất khó để giữ chân và thu hút nguồn nhân lực tâm huyết với ngành lâm nghiệp. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng so sánh: "Chúng ta làm việc ở thành phố, thậm chí đi dự hội nghị cũng có chế độ còn những người làm công tác bảo vệ rừng phải làm việc trong môi trường đặc biệt, đi lại khó khăn, thiếu thốn đủ mọi thứ, áp lực và trách nhiệm rất cao nhưng lương thì rất thấp trong khi phải tự đổ xăng xe để tuần tra rừng”.

Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh tăng mức lương cơ bản nhằm cải thiện thu nhập, đời sống cho những người trực tiếp bảo vệ rừng. Có chính sách đãi ngộ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, như được hưởng các chế độ về thu hút đặc biệt, thâm niên, phụ cấp công vụ, phụ cấp nguy hiểm… Có chính sách công nhận bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, vàng da … là bệnh nghề nghiệp. Sở NNPTNT Lâm Đồng cũng đề nghị điều chỉnh định suất bảo vệ rừng cho phù hợp với khả năng quản lý bảo vệ của 1 người là 500ha đối với rừng phòng hộ và 700ha rừng sản xuất.

Khắc Lịch
.
.
.