Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên
Ngày 17/10, tại Hưng Yên, Đoàn công tác của Chính phủ do Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên, nhằm đánh giá tình hình kinh tế, xã hội, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Hữu Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên…
Báo cáo tại buổi làm việc nêu rõ: Trong 9 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 8,61% (xếp thứ 10 trong cả nước), trong đó sản xuất công nghiệp tăng 6,07%, khu vực dịch vụ tiếp đà phục hồi và phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ đạt trên 64.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm đề ra và tăng 92,89% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 24.600 tỷ đồng (vượt dự toán được giao).
Các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục được chăm lo, phát triển; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quan hệ đối ngoại của tỉnh tiếp tục được mở rộng…
Thay mặt Đoàn công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận, chúc mừng những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đạt được trong 9 tháng đầu năm 2023. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên cùng các bộ, ngành liên quan cần nghiêm túc nhìn nhận lại những tồn tại, hạn chế để có giải pháp khắc phục, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh hơn trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ công tác trọng tâm, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên tập trung đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; trong đó, tập trung tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư…
Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên cần thường xuyên đối thoại, nắm bắt kịp thời, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên khẩn trương hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó phải đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhất là tại các dự án trọng điểm.
Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hưng Yên cũng cần tập trung dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển văn hoá, xây dựng đời sống văn hoá phong phú, bản sắc, có hệ thống thiết chế văn hoá tương xứng với trình độ phát triển. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, chú trọng nguồn nhân lực lao động chất lượng cao. Quan tâm hỗ trợ người lao động mất việc làm, đẩy mạnh thực hiện chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp…
Sau khi các bộ, ngành phúc đáp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, thời gian tới, để tiếp tục giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của địa phương, đề nghị các bộ, ngành có liên quan sớm có văn bản trả lời, đồng thời gửi Bộ Công an để tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với những nội dung kiến nghị, đề xuất quá thẩm quyền, Đoàn công tác của Chính phủ ghi nhận; giao bộ phận tham mưu, giúp việc tổng hợp báo cáo Chính phủ, Trung ương để phân loại chỉ đạo, giải quyết.