Kinh tế hợp tác xã phải gắn với thế mạnh địa phương

Thứ Tư, 03/11/2021, 09:02

Sau khi thăm 2 mô hình hợp tác xã tiêu biểu trên địa bàn các huyện Yên Mô và Gia Viễn, chiều 2/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Bình về kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cùng dự buổi làm việc có ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Theo báo cáo của địa phương, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 08/4/2002 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Tỉnh ủy Ninh Bình đã triển khai thực hiện đồng bộ, lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ thành lập mới, hỗ trợ chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

vna_potal_chu_tich_nuoc_nguyen_xuan_phuc_lam_viec_voi_ban_chap_hanh_dang_bo_tinh_ninh_binh_5748690.jpg -0
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN

Đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 421 hợp tác xã. Kinh tế tập thể và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển về cả chất và lượng, doanh thu và lợi nhuận được tăng dần, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã giai đoạn 2013-2021 có bước phát triển vượt bậc; thu nhập tăng 5 lần so với năm 2013; đã khẳng định được vai trò, vị thế trong xã hội, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị và đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong tỉnh.

Vướng mắc của Ninh Bình trong lĩnh vực này hiện nay là: Các hợp tác xã phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; thiếu dự án quy mô lớn; năng lực quản lý, hoạt động và khả năng ứng dụng khoa học, công nghệ còn rất hạn chế; chưa có sản phẩm mạnh đủ sức cạnh tranh; số mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa nhiều. Kinh tế tập thể bước đầu có cải thiện về lượng và chất nhưng chủ yếu vẫn là các hợp tác xã cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên, còn việc liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho thành viên còn hạn chế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế thị trường; tác động tới mọi mặt của xã hội, môi trường, an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Chủ tịch nước nhắc ý nói của Bác Hồ viết về hợp tác xã: Hạt nhân, trung tâm của hợp tác xã là xã viên. Hợp tác xã là phương tiện để phục vụ xã viên, Chủ tịch nước cho biết, hợp tác xã có 3 vai trò là tổ chức kinh tế, tạo cơ hội việc làm và tạo thu nhập cho xã viên, người lao động. Hợp tác xã là tổ chức dựa vào cộng đồng, đề cao tính dân chủ và nguyên tắc tự nguyện nên có nhiều yếu tố để bảo đảm bền vững về môi trường xã hội, về kinh tế.

Vui mừng vì Ninh Bình có đến 330.000 người tham gia kinh tế tập thể với thu nhập khá, chiếm đến gần 60% tổng số lao động của tỉnh, Chủ tịch nước cũng đánh giá, Ninh Bình đã giải quyết tốt vấn đề phúc lợi, quyền lợi của xã viên; quan tâm đến người lao động và có chiến lược phát triển kinh tế tập thể. Tỉnh cũng đã có sự hỗ trợ về nguồn vốn, quỹ, chính sách phù hợp với các quy định về bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tôn trọng các nguyên tắc của thị trường, không quay lại cơ chế bao cấp phi kinh tế áp đặt kiểu cũ.

Sự phát triển hợp tác xã trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, tập trung chỉ đạo, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước đề nghị Ninh Bình cần khai thác lợi thế, tiềm năng lợi thế xã hội, lợi thế về số đông để tạo được sự thay đổi sâu sắc, căn bản về phương thức sản xuất trong nông nghiệp cũng như các lĩnh vực nông thôn. Đặc biệt, có thế mạnh về du lịch, cơ khí, công nghiệp, cơ khí và một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp thì Ninh Bình càng phải vận dụng phát triển.

Lưu ý đến yêu cầu phát triển bền vững trong phát triển kinh tế hợp tác xã, tổ hợp tác, Chủ tịch nước cho rằng cần thành lập một chiến lược phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác. Để làm được việc đó, các ban, bộ ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hiện nay, nhất là những hạn chế, bất cập về pháp luật, chính sách, quản trị; vấn đề tiếp cận đất đai, nguồn vốn, công nghệ, thị trường, phát triển chuỗi giá trị, đào tạo lao động.

Để mô hình kinh tế hợp tác xã thành công, Chủ tịch nước cho rằng cần phải xây dựng một tổ chức hợp tác xã hiện đại kiểu mới, vượt lên tư duy về mô hình hợp tác xã truyền thống; phải vốn hóa được quyền lợi, khắc phục tình trạng tổ chức cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả. Các hợp tác xã, tổ hợp tác phải có tầm nhìn, có tầm nhìn chiến lược để cùng nhau đi xa. Bên cạnh đó là áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, thậm chí có thể thuê các giám đốc điều hành chuyên nghiệp có năng lực quản trị thực sự để tạo ra giá trị gia tăng mới; tăng cường thu hút được nhân lực có tri thức, nâng cao cạnh tranh với tập đoàn, doanh nghiệp. Chủ tịch nước cũng lưu ý đến việc mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, quản trị để tăng năng suất và sức cạnh tranh.

Nhấn mạnh phải gắn công nghệ số, thương mại điện tử với phát triển kinh tế hợp tác xã, Chủ tịch nước cũng khẳng định, kinh tế hợp tác xã phải gắn với thế mạnh địa phương.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan liên quan phối hợp với các địa phương tiếp tục tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 về kinh tế hợp tác xã, kinh tế tập thể. Cấp chính quyền, cấp ủy các cấp cần quan tâm hỗ trợ hơn nữa về cơ chế, chính sách, nguồn lực, cơ hội để hợp tác xã có thể phát huy thế mạnh đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị để vận động hội viên; giám sát thực hiện chính sách pháp luật phát triển kinh tế tập thể ở địa phương. Đặc biệt, Chủ tịch nước lưu ý cần nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trong cả nước.

Quang Vũ - Thùy Dung
.
.
.