Kiến nghị bổ sung quy định phù hợp với xu hướng phát triển giao thông thông minh

Thứ Năm, 13/07/2023, 14:50

Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều, trong đó giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng), sửa đổi 40 điều, bổ sung mới 54 điều

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 24, sáng 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Đường bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 95 điều, trong đó, giữ nguyên 1 điều (Điều 2 về đối tượng áp dụng), sửa đổi 40 điều, bổ sung mới 54 điều.

thắng.jpg -0
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình dự án Luật Đường bộ.

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo luật đã có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh và bổ sung các khái niệm mới như: đường giao thông nông thôn, đường địa phương, phương tiện công nghệ mới, phương tiện đa tính năng (Điều 3); đồng thời bổ sung quy định về áp dụng Luật Đường bộ và các luật khác (Điều 4), bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu đường bộ phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (Điều 8), bổ sung các chính sách phát triển giao thông đường bộ trên cơ sở các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước (Điều 9).

Về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, dự thảo luật có các điểm mới như: bổ sung hệ thống đường thôn, xóm vào mạng lưới đường bộ; bổ sung quy định việc phân kỳ đầu tư trong việc cho phép đường địa phương, đường chuyên dùng được quy hoạch thành quốc lộ (Điều 10); bổ sung quy định cụ thể đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (Điều 14), phạm vi bảo vệ trên không và phía dưới đường bộ (Điều 18)…

Ngoài ra, dự thảo luật còn bổ sung nhiều điểm mới đối với phương tiện giao thông đường bộ; vận tải đường bộ; quy định rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý Nhà nước về hoạt động đường bộ…

tới.jpg -0
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP & AN) của Quốc hội cho biết, Thường trực Ủy ban QP & AN cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Luật Đường bộ để tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ về hoạt động giao thông vận tải đường bộ.

Thường trực Ủy ban QP & AN cơ bản tán thành với các nội dung tiếp thu, giải trình của Chính phủ và thấy rằng việc xây dựng 2 dự án luật: Đường bộ và TTATGT đường bộ đã được Chính phủ thảo luận, cân nhắc, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước ta và thông lệ quốc tế; đồng thời thể chế hóa Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư. 

đb1.jpg -0
Các đại biểu tại phiên họp.

Thường trực Ủy ban QP & AN cơ bản tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đề nghị tiếp tục rà soát để tránh lỗ hổng pháp luật, đồng thời tránh chồng chéo quy định của dự thảo Luật TTATGT đường bộ; đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung một số quy định cụ thể về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ phù hợp với xu hướng phát triển giao thông thông minh, phương tiện đa tính năng; về giao thông đô thị, đường chuyên dùng, đường nội bộ, đường cao tốc…

Thảo luận về dự án luật, đa số các ý kiến đều nhất trí cần xây dựng Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ, đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát để tránh lỗ hổng pháp luật và tránh chồng chéo quy định trong 2 dự thảo luật này. 

ct.jpg -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hồ sơ chuẩn bị của dự án luật lâu dài, công phu, đã được Quốc hội cho phép đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV. Lưu ý một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xây dựng luật phải đảm bảo mang lại lợi ích cho sự phát triển, phục vụ nhân dân.

“Tôi lấy ví dụ như làm đường cao tốc thì phải làm đường gom cho dân đi, nếu không thì không tạo động lực phát triển kinh tế mà còn làm tắc, hạn chế phát triển. Như ở Phú Xuyên, Hà Nội chẳng hạn, sau khi có cao tốc, người dân không có đường để sang bên kia, rất khó khăn cho họ trong đi lại, sinh hoạt” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ và cho rằng, khi quy định tiêu chuẩn đường cao tốc cần phải nghiên cứu, quy định rõ, đường cao tốc chỉ có 2 làn đường nếu xe chết máy, dừng lại thì sẽ bị tắc, thậm chí gây tai nạn.

Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý một số vấn đề cụ thể, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các Uỷ ban của Quốc hội cần nghiên cứu, tham gia theo lĩnh vực phụ trách, đảm bảo các quy định chặt chẽ, phù hợp với thực tế.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là dự án luật khó, đòi hỏi công tác chuẩn bị phải công phu, kỹ lưỡng, chu đáo, tỉ mỉ. 

phương.jpg -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận nội dung họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Sau phiên họp này, Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, nhất là phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật TTATGT đường bộ để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật đến Ủy ban QP &AN Quốc hội thẩm tra chính thức. Ủy ban QP & AN tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phân công cụ thể các cơ quan tham gia thẩm tra theo lĩnh vực phụ trách và Ủy ban QP & AN sẽ chủ trì tổ chức phiên họp thẩm tra chính thức, tổng hợp báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản.

Phương Thuỷ
.
.
.