Kiểm toán Nhà nước đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất

Thứ Năm, 11/07/2024, 10:51

Sáng 11/7/2024, tại Hà Nội, Kiểm toán nhà nước (KTNN) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập KTNN (11/7/1994-11/7/2024). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đến dự.

Tại diễn văn kỷ niệm, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng KTNN nêu rõ: Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, khởi đầu từ một cơ quan chưa có tổ chức tiền thân và tiền lệ về hoạt động, được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán, đến nay, KTNN đã có nhiều bước chuyển mình đột phá.

Từ khi thành lập đến nay, KTNN đã thực hiện khoảng 3.600 cuộc kiểm toán, phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính khoảng 740 nghìn tỷ đồng, (từ năm 2011-2023 kiến nghị tài chính trên 650 nghìn tỷ đồng); trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40% tổng số kiến nghị kiểm toán; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ trên 2.200 văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản quản lý có nội dung không phù hợp, mâu thuẫn hoặc chồng chéo, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia...

Kiểm toán nhà nước:  Kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách,  tránh thất thoát, lãng phí -0
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi lễ.

Xuyên suốt quá trình 30 năm xây dựng và trưởng thành, với phương châm “Chuyên nghiệp - Liêm chính - Hội nhập”, KTNN luôn hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó; luôn đổi mới, sáng tạo để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; góp phần quan trọng vào sự minh bạch, phát triển bền vững nền tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, hoàn hiện thể chế của đất nước.

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, KTNN vinh dự được lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất nhằm ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc, những đóng góp lớn lao của KTNN đối với đất nước trong suốt những năm qua.

Kiểm toán nhà nước:  Kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách,  tránh thất thoát, lãng phí -0
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao tặng Huân chương Lao động Hạng nhất tặng tập thể lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Từ khi thành lập đến nay, thông qua các hoạt động kiểm toán đã góp phần tiết kiệm chi hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, ngăn chặn và xử lý nhiều sai phạm. Hỗ trợ hiệu quả công tác điều tra, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. KTNN luôn bám sát hoạt động của Quốc hội và công tác điều hành, quản lý kinh tế - xã hội của đất nước; giúp Quốc hội có nguồn thông tin, dữ liệu tin cậy để phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương hằng năm; giúp cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được hiệu quả hơn...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh KTNN thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm nắm vững và thực hiện đúng chủ trương, định hướng chiến lược của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chỉ đạo quản lý, điều hành của Chính phủ về ngân sách nhà nước, chính sách tài khóa, tiền tệ; lựa chọn và tập trung ưu tiên thực hiện các mục tiêu trọng tâm của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Đặc biệt, cần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính: Ngành Kiểm toán phải “luôn nắm vững, nắm chắc và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải “đúng vai thuộc bài”, thực sự am hiểu và thực hiện nghiêm các nguyên tắc, pháp luật, quy chế, quy định, đặc biệt phải rất công tâm, khách quan; phải sử dụng và kiểm soát có hiệu quả quyền lực mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Đồng thời, tiếp tục củng cố, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để  hoạt động của KTNN ngày càng hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu, rà soát Luật KTNN để đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời, bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa  KTNN với các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan; tổ chức và hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả,  chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại.

Phạm Huyền
.
.
.