Kiểm toán làm rõ nhiều sai phạm về kit test, tài chính trong phòng, chống COVID-19

Thứ Bảy, 02/07/2022, 07:56

Chiều 1/7, tại buổi họp báo công bố công khai báo cáo kiểm toán chuyên đề “việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”, đại diện Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III đã nêu rõ hàng loạt sai sót trong việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày  31/12/2021, tổng số vaccine đã tiếp nhận 194,4 triệu liều/214,6 triệu liều cam kết, Bộ Y tế đã phân bổ 176,6 triệu liều, các đơn vị đã sử dụng 153,6 triệu liều; đến 31/3/2022, Bộ Y tế đã tiếp nhận 230,9 triệu liều/234,7 triệu liều cam kết, Bộ Y tế đã phân bổ 205,4 triệu liều. 

Khi vào kiểm toán, đoàn công tác KTNN đã nhận thấy, tại một số địa phương chưa ưu tiên sử dụng các lô vaccine cận hạn; chưa bao quát đầy đủ đối tượng được ưu tiên; ban hành kế hoạch và tổ chức tiêm chưa bảo đảm tiến độ đề ra; tiêm cho một số đối tượng chưa bảo đảm căn cứ ưu tiên. Cùng đó, một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo kết quả, số lượng, hồ sơ tiêm chủng định kỳ; chưa cập nhật đầy đủ số mũi tiêm lên hệ thống nền tảng quản lý tiêm chủng của Bộ Y tế.

kt.jpg -0
Buổi họp báo tại Kiểm toán Nhà nước chiều 1/7/2022.

Đáng chú ý, liên quan đến việc quản lý và sử dụng kit test, theo báo cáo, giai đoạn 2020-2021 một số địa phương đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kit test xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất, trong đó có một số đơn vị mua kit test từ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á giá trị 2.161,6 tỷ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối).

Qua kiểm toán cho thấy, có lô kit test PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng; việc hạch toán, lập, quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan như chứng từ phân bổ, kế hoạch xét nghiệm, phiếu nhập, xuất, danh sách cấp phát… chưa đầy đủ; kit test viện trợ hết hạn sử dụng phải tiêu hủy.

Một số đơn vị chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng kit test, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, chưa thống kê, kiểm kê, theo dõi đầy đủ, chính xác số lượng nhập, xuất, tồn, còn chênh lệch số liệu giữa các bên liên quan.

Một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả… hoặc thiếu thông tin chi tiết chủ yếu chỉ có biên bản bàn giao với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061.892.000.000đ và mượn bằng hiện vật không có giá trị.

Ngày 8/4/2022 và ngày 27/4/2022 KTNN đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.

Thông tin từ KTNN cũng cho hay, các địa phương còn tình trạng chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định 79.764.000.000đ; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định 17.541.000.000đ; chưa chi trả kịp thời kinh phí cho lực lượng tuyến đầu chống dịch 18.200.000.000đ.

Bên cạnh đó, một số bộ ngành, địa phương cho thấy còn tình trạng chi cách ly y tế trùng đối tượng, không đúng đối tượng, không đúng định mức, không đúng quy định 6.432.000.000đ; chứng từ thanh toán chưa đầy đủ theo quy định 26.955.000.000đ; một số đơn vị còn chi trả cho các đối tượng cách ly y tế chưa kịp thời 3.392.000.000đ.

Về thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh với NSNN, kết quả kiểm toán đã làm rõ, một số bệnh viện chi trùng, chưa đúng quy định của Bộ Y tế 1.450.000.000đ; quyết toán với NSNN một số khoản chi chưa phù hợp; chưa quyết toán được với NSNN (số tạm xác định là 1.575.816.000.000đ. Ngoài ra, một số đơn vị chi vượt định mức, sai nguồn, không đúng dự toán, không đảm bảo quy định 30.100.000.000đ; chưa đủ hồ sơ quyết toán là 7.850.000.000đ;

Thông tin tới phóng viên, đại diện KTNN cho biết thêm, qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương cho thấy, việc ban hành định mức kinh tế kỹ thuật xét nghiệm SARS-CoV-2 chưa đầy đủ, phù hợp hoặc thiếu nhất quán; Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn về lấy mẫu gộp với test nhanh virus SARS-CoV-2 phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình mới mà các địa phương đang thực hiện nhằm tiết kiệm chi phí. Nhiều địa phương chưa xây dựng giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 hoặc ban hành không đúng thẩm quyền, quy định của Bộ Y tế, dẫn tới chưa có cơ sở xác định giá đặt hàng từ NSNN.

Cùng đó, một số địa phương chưa ban hành mức giá đặt hàng từ NSNN đối với giá dịch vụ xét nghiệm làm cơ sở quyết toán; chưa xây dựng cơ cấu giá cho các dịch vụ xét nghiệm trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật Bộ Y tế đã ban hành mà áp dụng mức thu theo đơn giá tối đa Bộ Y tế hướng dẫn hoặc giá của HĐND tỉnh hướng dẫn hoặc có xây dựng nhưng không kịp thời.

Định mức xây dựng đơn giá chưa thống nhất giữa các văn bản; xây dựng cơ cấu giá xét nghiệm RT-PCR đưa vào một số nội dung chi không phù hợp; không có trong quy định hoặc cao hơn định mức Bộ Y tế  ban hành thực hiện phụ thu dịch vụ xét nghiệm khi làm dịch vụ xét nghiệm COVID-19 dẫn đến giá dịch vụ xét nghiệm tăng thêm. Một số địa phương chưa xây dựng và ban hành đơn giá xét nghiệm hoặc đã ban hành nhưng chưa điều chỉnh khi có hướng dẫn mới của Bộ Y tế.

Các cơ sở y tế áp dụng đơn giá xét nghiệm khi chưa được HĐND tỉnh ban hành hoặc Quyết định của Giám đốc bệnh viện ban hành giá thu dịch vụ; tham mưu ban hành hoặc ban hành giá lấy mẫu, trả kết quả test nhanh chưa đúng thẩm quyền quy định; ban hành văn bản quy định đối tượng xét nghiệm chưa phù hợp về đối tượng thu phí theo quy định tại Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/2/2021; tham mưu chưa phù hợp quy định...

Về mức thu dịch vụ xét nghiệm, một số cơ sở y tế thu cao hơn mức quy định của Bộ Y tế số tiền 58.727.000.000đ. Một số khác chưa kịp thời điều chỉnh đơn giá thu theo đơn giá Bộ Y tế hoặc đơn giá của Sở Tài chính, bệnh viện đã ban hành, dẫn đến thu cao hơn 2.266,1.000.000đ.

Sử dụng kit test mua từ nguồn ngân sách phục vụ chống dịch, kit test được phân bổ, tài trợ để thực hiện hoạt động dịch vụ đối với người có nhu cầu xét nghiệm là 27.042.000.000đ chưa thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm theo thực thanh thực chi mà thực hiện theo đơn giá ban hành trước đó của Bộ Y tế hoặc HĐND tỉnh, số tiền 56.411.000.000đ.

Thu dịch vụ xét nghiệm chưa đúng đối tượng quy định 15.374.000.000đ. Áp dụng mức thu không thống nhất, chỉ định sử dụng dịch vụ tùy tiện, có mức thu cao cho bệnh viện và chi phí cao hơn cho người được xét nghiệm…

Đặng Nhật
.
.
.