Kiểm toán chỉ ra nhiều bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi thường xuyên chưa phù hợp với quy định

Thứ Sáu, 24/05/2024, 07:49

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 đối với niên độ ngân sách năm 2022 gửi tới Quốc hội. Theo đó, KTNN cũng chỉ rõ, một số địa phương lập dự toán chưa đầy đủ, chưa bao quát hết nguồn thu. Một số chỉ tiêu thu dự báo còn chưa sát nên lập dự toán còn chưa phù hợp với thực tế thực hiện. Dự toán chi thường xuyên cũng còn nhiều hạn chế…

Qua kiểm toán tại một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương, KTNN chỉ ra rằng, nhiều bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi thường xuyên chưa phù hợp so với quy định tại Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26/7/2021.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã lập dự toán chi sinh hoạt phí của cán bộ Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài vượt so với quy định; Trường Đại học Công nghiệp (ĐHCN) TP Hồ Chí Minh chưa lập dự toán Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ; Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng chưa lập dự toán 3 năm 2022-2024; Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim chưa lập dự toán phương án sử dụng kinh phí; Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại lập dự toán kinh phí thường xuyên chưa giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN; Bộ Tư pháp có dự toán chưa thuyết minh số biên chế phải tinh giản trong năm, lập dự toán tiền lương còn bao gồm kinh phí đảm bảo tăng lương thường xuyên năm 2022 và kinh phí trả lương hợp đồng.

Kiểm toán chỉ ra nhiều bộ, cơ quan trung ương lập dự toán chi thường xuyên chưa phù hợp với quy định -0
Đoàn công tác Kiểm toán làm việc tại địa phương.

Lập dự toán chưa đánh giá, dự báo các nhân tố ảnh hưởng để xác định kế hoạch cho từng năm đối với dự toán thu, chi phí và lệ phí giai đoạn 2022-2024 (Cục Bổ trợ Tư pháp); chưa tính đến việc giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN (Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý). 

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT lập dự toán nguồn NSNN thực hiện chế độ học bổng cho các đối tượng hưởng từ nguồn thu học phí không sử dụng phải hủy dự toán; chưa thực hiện giảm dự toán tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN tại khâu lập dự toán (kinh phí chi sự nghiệp giáo dục đào tạo) mà thực hiện giảm khi giao dự toán; Bộ GD&ĐT chưa thực hiện cắt giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội); Bộ Giao thông Vận tải lập dự toán chi trả 28 biên chế chưa tuyển chưa làm rõ nội dung; lập dự toán chi thường xuyên chưa giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN (Trường CĐ Hàng hải I); Cục Đường bộ Việt Nam lập kế hoạch nhu cầu bảo trì chưa nêu rõ được phương thức thực hiện; lập dự toán chi sự nghiệp kinh tế đường bộ không thuyết minh và không thể hiện nội dung trả nợ các nhiệm vụ hoàn thành trong năm trước đối với nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên…

Bộ KH&CN chưa đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên năm trước làm căn cứ lập dự toán năm sau; chưa xác định khoản tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên so với dự toán năm 2021 đối với các cơ quan quản lý nhà nước; chưa lập dự toán riêng, thuyết minh cơ sở tính toán (Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN).

Ngoài kết quả trên, KTNN cũng phát hiện một số bộ, cơ quan trung ương giao dự toán, phân bổ dự toán còn chậm so với quy định, phân bổ không đúng quy định như  Bộ Công Thương phân bổ dự toán chi tiền lương lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 ngoài định mức; Bộ NN&PTNT phân bổ dự toán kinh phí không tự chủ (ngoài định mức chi quản lý hành chính) cho Văn phòng Bộ thực hiện các nhiệm vụ có nội dung chi thuộc kinh phí thực hiện tự chủ (trong định mức chi quản lý hành chính); phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường thực hiện 10 nhiệm vụ không có trong dự toán gửi Bộ Tài chính;  Bộ KH&ĐT phân bổ kinh phí vượt định mức; ĐHQGHN chưa phân bổ hết dự toán được Bộ Tài chính giao; một số trường hợp việc hoàn thiện thủ tục kéo dài dẫn đến cuối năm không thực hiện được phải hủy dự toán; điều chỉnh kinh phí của dự án tăng cường năng lực và chi chính sách hỗ trợ sinh viên sang chi quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và chi khác; điều chỉnh dự toán giữa các đơn vị để mua sắm tài sản khi không có hồ sơ đề xuất của các đơn vị…

Kiểm toán cũng chỉ rõ, một số địa phương giao dự toán chậm so với quy định; giao dự toán chi cao hơn dự toán thu nhưng không điều chỉnh dự toán kịp thời dẫn đến mất cân đối ngân sách; điều chỉnh dự toán chưa đảm bảo thời gian theo quy định. Có 18/60 địa phương chưa phân bổ và giao dự toán hết cho đơn vị ngay từ đầu năm 11.117,8 tỷ đồng; một số địa phương, ngân sách tỉnh hoặc ngân sách huyện giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc chưa giữ lại hoặc giữ lại chưa đủ 10% tiết kiệm chi thường xuyên để tạo nguồn theo quy định; giao dự toán chi sự nghiệp khoa học công nghệ, sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề thấp hơn dự toán trung ương giao; giao dự toán nhưng không có nhiệm vụ chi cụ thể; giao dự toán không có trong tiêu chí, định mức phân bổ dự toán hoặc vượt định mức chi thường xuyên của hội đồng nhân dân tỉnh; giao dự toán chi cho đơn vị thụ hưởng không tuân thủ dự toán đã được Hội đồng nhân dân quyết nghị; giao dự toán hỗ trợ hoạt động cho các hội chưa gắn với nhiệm vụ cụ thể được cấp có thẩm quyền giao; chưa lập dự toán, chưa bố trí đủ tối thiểu 10% số thu tiền sử dụng đất cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; chưa lập dự toán chi tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; chưa phân bổ hết nguồn thu tiền sử dụng đất trong năm...

Phạm Huyền
.
.
.