Khúc tráng ca bất tử giữa lòng biển khơi
Trong chuyến hải trình kéo dài 6 ngày (từ 10 đến 15/4) của Đoàn công tác số 3, chúng tôi được đến thăm đảo Cô Lin - nơi mà 35 năm về trước, cùng với Gạc Ma, Len Đao, 64 CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong trận chiến ác liệt để bảo vệ đảo; đồng thời, tham dự một sự kiện đặc biệt - Lễ tưởng niệm các CBCS đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa.
Máu của các anh đã hoà quyện từng tấc đảo, sải biển
Trở lại sự kiện ngày 14/3/1988, phía Trung Quốc đưa lực lượng tàu chiến hùng hậu, trang bị vũ khí hiện đại tấn công đánh chiếm một số bãi đá của ta. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh cấp trên, CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam đã lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả, kiềm chế đến mức tối đa, tránh sự khiêu khích, đối đầu, giữ vững nguyên tắc, đường lối đối ngoại của Đảng là không dùng vũ lực để giải quyết những vấn đề tranh chấp trên biển, giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Tuy nhiên, cuộc chiến diễn ra ác liệt khi 3 tàu vận tải của ta bị bắn cháy, bắn chìm và một số đảo bị đánh chiếm. CBCS Tàu HQ505, HQ604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125; CBCS Lữ đoàn 146, Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, quyết không lùi bước để bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Đó là, Anh hùng, liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng, liệt sĩ, Đại uý Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ604; hay Anh hùng, liệt sĩ, Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh, anh đã hiên ngang quấn Quốc kỳ quanh thân mình, động viên đồng đội: "Không được lùi bước, phải để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng".
Đó còn là Anh hùng, Thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ505 vừa nổ súng chiến đấu, vừa nhanh chóng cho tàu lao lên đảo Cô Lin để tàu trở thành pháo đài, thành cột mốc sống khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm...
16h ngày 12/4/2023, sau khi vào thăm, kiểm tra và làm việc tại đảo Cô Lin, Đoàn công tác trở lại tàu KN491 làm lễ tưởng niệm. Giữa biển khơi muôn trùng, trong không khí thiêng liêng xúc động, Đại tá Lê Văn Tuấn, Trưởng Phòng Chính sách, Cục Chính trị Hải quân cho biết, những năm qua, để tri ân và chia sẻ với những đau thương mất mát của thân nhân các liệt sĩ, Đảng, Nhà nước, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, các cấp, ngành, địa phương luôn chăm lo, làm tốt công tác chính sách Quân đội và hậu phương Quân đội, cố gắng làm hết sức mình để tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ.
"Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, biển thì rộng, sâu, mà sức người có hạn nên đến nay, xương cốt của nhiều liệt sĩ vẫn còn nằm lại với biển khơi. Sự hy sinh của các anh để lại nỗi đau tột cùng, sự tiếc thương của những người mẹ, người cha, người vợ, người con, nhưng đây là sự hy sinh cao cả. Máu của các anh đã thấm đẫm, hoà quyện với từng tấc đảo, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc, tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang của dân tộc, làm sáng đẹp hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân", Đại tá Lê Văn Tuấn nhấn mạnh trong diễn văn tưởng niệm. Nhiều thành viên đoàn công tác không cầm lòng được, rưng rưng xúc động.
Với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn, đoàn công tác đã tổ chức dâng hương tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ - những người con ưu tú của dân tộc đã anh dũng chiến đấu, hiến trọn đời mình cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Dưới âm hưởng trầm buồn của ca khúc "Hồn tử sĩ", trong không khí trang nghiêm, hơn 200 thành viên trong đoàn thắp nén tâm hương bày tỏ niềm tiếc thương, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn, sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ. Nhiều đại biểu mắt hoe đỏ, sống mũi cay cay...
"Tôi cảm thấy ấm lòng, như bố luôn ở cạnh bên"
Trong dòng người thắp hương hôm ấy, có một nhân vật đặc biệt là Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, Trợ lý tác chiến, Phòng Tham mưu Vùng 4 Hải quân, Sĩ quan tổ điều hành Đoàn công tác số 3, con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Rất ít người trong đoàn biết thông tin này, bởi Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân là người kiệm lời, cứ lặng lẽ làm nhiệm vụ trên tàu, dưới đảo, liên tục như con thoi để đảm bảo yêu cầu an toàn, kịp tiến độ hải trình của đoàn công tác.
Sinh năm 1987, dáng người cao, da rám nắng, đeo kính thư sinh, Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân tâm sự với tôi bằng chất giọng Quảng Bình đặc trưng: "Là con trai liệt sĩ Gạc Ma thì cũng bình thường như bao người, tôi cũng được tham dự nhiều buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa, vì tất cả các đoàn công tác khi đi đến khu vực biển này đều làm lễ. Mỗi lần như vậy, tôi thấy ấm lòng, vì những đồng đội của bố mình luôn nhớ đến ông, cả những đại biểu trong đoàn dù không quen biết vẫn xúc động tưởng nhớ bố tôi và các liệt sĩ...".
Bố hy sinh khi anh mới gần 3 tháng tuổi, nên anh chỉ biết về bố qua những bức ảnh và qua lời kể của mẹ, của dì. "Đến bây giờ mỗi lần về thăm, mẹ vẫn kể suốt, lấy chồng, ở với chồng được 9 tháng, đẻ hai con trai thì chồng mất", Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân nhớ lại, rồi anh nhìn vào bức ảnh đen trắng của bố luôn được lưu giữ trong điện thoại mà anh đã mở ra xem không biết bao nhiêu lần, khắc ghi từng đường nét trong tâm trí.
"Từ mẫu giáo, được cô hỏi sau này em thích làm gì, mình đã nói sau này đi bộ đội, thích vào Hải quân. Giờ vẫn vậy, thấy con đường mình đi là đúng đắn, muốn được cống hiến tại nơi bố đã từng cống hiến", anh chia sẻ.
Được biết, học hết cấp 3, Nguyễn Tiến Xuân trốn gia đình làm hồ sơ thi vào Học viện Hải quân, vì ông bà nội và mẹ đều lo lắng khi anh đi biển, ra đảo... Thế nhưng, với sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, tốt nghiệp Học viện năm 2012, anh lần lượt trải qua các chức danh: Trưởng ngành, Phó Thuyền trưởng và dần cứng cáp, trưởng thành nơi đầu sóng, ngọn gió, trở thành vị Thuyền trưởng trẻ tuổi khi mới ở tuổi 30.
Để đạt được chức danh Thuyền trưởng tại Vùng 4 Hải quân không hề dễ dàng, vì đặc thù quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, biển ở đây là khu vực biển phức tạp, sóng to gió lớn, quanh năm đối mặt với nhiều cơn bão khốc liệt.
Thuyền trưởng - chỉ huy cao nhất, chịu trách nhiệm cao nhất của một con tàu cần am hiểu kiến thức tổng hợp về quân sự, thiên văn, địa lý; có kinh nghiệm thực tế dày dặn; tính quyết đoán cao với kỹ năng xử lý tình huống thuần thục, hiểu địa hình vùng biển, luồng lạch... Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân từng có 10 năm theo các chuyến tàu ra công tác tại quần đảo Trường Sa, trong đó 4 năm làm Thuyền trưởng nơi đây.
"Lần đầu tiên ra Trường Sa mình đã khóc vì xúc động, nhất là lần ở đảo Sinh Tồn Đông. Mình luôn cảm nhận như có bố cạnh bên, chở che, đưa đường chỉ lối", anh nói và kể về lần bốc hàng trên đảo, có một tảng đá hộc rơi từ trên cao xuống, trúng chân, nhưng anh chỉ bị xây xát nhẹ vì có hòn đá nhỏ bên cạnh "đỡ cho".
Hay lần đi xuồng mùa biển động, sóng to nhồi lên, ụp xuống khiến anh rơi xuống biển, tưởng chết, nhưng như có bố nâng đỡ đã "tai qua nạn khỏi". Qua câu chuyện của Thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân, tôi cảm nhận như có một sợi dây linh cảm gắn kết, một mạch nguồn tiếp nối truyền thống thiêng liêng giữa cha và con, hai thế hệ cùng chí hướng, vì Trường Sa, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Sau nghi thức thả vòng hoa, lễ vật, các thành viên đoàn công tác cũng tiến hành thả hoa cúc vàng, hạc giấy và hoa đăng để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Trong số 64 liệt sĩ, nhiều người hài cốt vẫn còn nằm lại giữa Biển Đông, khơi gợi niềm thương cảm day dứt trong mỗi chúng tôi. Nhưng cũng tại nơi đây, các anh đã tạo nên vòng tròn bất tử, tay nắm chặt tay, hiên ngang, khí phách giữa biển trời...