Không thành lập Ban Thanh tra nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước
Quốc hội đồng ý với phương án, chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước còn ở các loại hình doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động khác thì tiếp tục thực hiện theo pháp luật về lao động và các quy định hiện hành có liên quan.
Sáng 10/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 443 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 88,96% tổng số đại biểu Quốc hội.
Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quộc hội (UBTVQH) trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan có liên quan, UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.
Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung tại Luật này; đồng thời, dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc.
“Thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan làm cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả” - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu.
Về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân, dự thảo Luật tiếp tục quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay; không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.
Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung tại Chương I của Luật này; đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (Điều 82).
Quá trình thảo luận, do đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau nên nên để bảo đảm thận trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. 432/498 đại biểu Quốc hội đã gửi lại phiếu xin ý kiến.
Kết quả cho thấy, 262/432/498 đại biểu (chiếm 60,65% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến và 52,61% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý với phương án quy định chỉ thành lập Ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước. 37,27% tổng số đại biểu Quốc hội cho ý kiến đồng ý với phương án quy định thành lập Ban thanh tra nhân dân ở tất cả các loại hình cơ sở, gồm xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức có sử dụng lao động, nhưng có chỉnh lý thêm các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tính chất, điều kiện của từng loại hình cơ sở, đặc biệt là ở khu vực ngoài Nhà nước. Ngoài ra, có 9 đại biểu không chọn phương án và 11 đại biểu có phương án khác.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã đồng ý với phương án, chỉ quy định về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước còn ở các loại hình doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động khác thì tiếp tục thực hiện theo pháp luật về lao động và các quy định hiện hành có liên quan.