Không tái bổ nhiệm thẩm phán có tỷ lệ án huỷ, sửa cao

Thứ Hai, 20/03/2023, 13:11

Từ năm 2021, số lượng cán bộ tòa án bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự là hơn 100 vụ. Quan điểm của ngành Tòa án là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không bao che

Ngày 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại Phiên họp thứ 21 về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và kiểm sát. Tham dự phiên chất vấn có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn. Phiên chất vấn được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Nâng cao chất lượng giải quyết vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngành Tòa án và ngành Kiểm sát có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đối với ngành Tòa án, trong thời gian qua, số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp.

vươn đìh huệ.jpg -0
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, tập trung chất vấn các nhóm vấn đề: giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác cán bộ của ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án; tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến…

Đối với ngành Kiểm sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cần làm rõ những nhóm vấn đề: Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội; tăng cường chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa; tiếp tục nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của Kiểm sát viên và các công chức của Viện Kiểm sát; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Kiểm sát; nâng cao tỷ lệ phát hiện tội phạm; tăng cường rà soát để kịp thời giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

 Có tình trạng thẩm phán nể nang khi giải quyết các vụ án hành chính?

Báo cáo tại phiên chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, trong giai đoạn từ năm 2018-2022, liên quan đến các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tòa án các cấp đã thụ lý hơn 12.700 vụ; xét xử hơn 12.200 vụ với khoảng 25.000 bị cáo

Đại biểu Mai Phương Hoa (Nam Định) chất vấn về vấn đề tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan vẫn cao, trong đó một phần nguyên nhân là bộ phận thẩm phán còn nể nang, ngại va chạm với các cơ quan nhà nước.

chánh án.jpg -0
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, tình trạng thẩm phán nể nang khi giải quyết các vụ án hành chính là có, nhưng số lượng không nhiều và đây cũng không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc huỷ, sửa án cao.

"Nguyên nhân chính là trong các vụ án hành chính thì việc cung cấp tài liệu của UBND các cấp cho người dân là không đầy đủ. Hai là sự tham gia, đối thoại trước khi xét xử của người có thẩm quyền, người bị kiện (Chủ tịch UBND các cấp) rất hạn chế"- Chánh án TAND Tối cao nói.

Về vấn đề xét xử các phiên toà trực tuyến, đến nay, đã xét xử 5.400 vụ án trực tuyến đảm bảo việc xét xử đúng theo quy định của pháp luật, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước. “Thời điểm đầu, chúng tôi đã có phiên toà mẫu để các địa phương tham khảo áp dụng. Lúc đầu, anh em còn lúng túng, tuy nhiên hiện nay việc xét xử trực tuyến đã được thực hiện thành thục"- Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Án hủy, sửa có nguyên nhân chủ quan của thẩm phán 

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) đặt câu hỏi về báo cáo xét xử vụ án hình sự cho thấy có việc xét xử sai tội danh, áp dụng không đúng hình phạt, tình tiết tăng nặng dẫn tới tuyên không đúng khung hình phạt hoặc quá nhẹ; đề nghị làm rõ trong những trường hợp này có hay không lỗi chủ quan hay chủ đích của thẩm phán?

qh 20.jpg -0
Phiên chất vấn được tổ chức trực tuyến từ toà nhà Quốc hội đến Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương.

Trả lời câu hỏi này, Chánh án TAND Tối cao cho biết, thực trạng này có lỗi chủ quan nhưng tỉ lệ chỉ dưới 1,5%, đảm bảo theo yêu cầu của Quốc hội. Hằng năm, các tòa án phải xử lý khoảng 80.000 vụ án hình sự và với các vụ án bị hủy, sửa theo lỗi chủ quan của các thẩm phán sẽ bị xử lý nếu vượt quá ngưỡng TAND Tối cao và Quốc hội đề ra. "Nếu lỗi nghiêm trọng, thẩm phán bị kỷ luật, nếu lỗi không nghiêm trọng sẽ bị dừng xét xử, không tái bổ nhiệm, không xếp loại thi đua. Các thẩm phán rất lo lắng về không tái bổ nhiệm. Phấn đấu cả đời được thẩm phán nhưng tỉ lệ hủy, sửa cao hơn yêu cầu Quốc hội, của tòa án sẽ không tái bổ nhiệm"- người đứng đầu ngành Toà án cho biết.

Trả lời thêm câu hỏi về các vụ việc, vụ án quá thời hạn, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, có chủ quan là do áp lực công việc quá lớn, phải giải quyết khối lượng công việc gấp đôi quy định, làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.

Tuy nhiên, tình trạng này đang từng bước được khắc phục, giảm thiểu xuống mỗi năm dưới 200 vụ. Một số nguyên nhân chủ quan khác, Chánh án TAND Tối cao chia sẻ, là về năng lực, tinh thần trách nhiệm của các thẩm phán, hoặc do các yếu tố chủ quan khác. Tòa án sẽ tiếp tục khắc phục các nguyên nhân này trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng nêu việc thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cán bộ, thẩm phán vi phạm pháp luật; đề nghị làm rõ những giải pháp căn cơ về công tác đấu tranh, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực?

Trả lời câu hỏi này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, từ năm 2021, số lượng cán bộ tòa án bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự là hơn 100 vụ. Quan điểm của ngành Tòa án là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không bao che.

Về vấn đề phòng ngừa,  ngành Toà án đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, giáo dục đạo đức công vụ cho thẩm phán. Trong đó, đã ban hành Bộ quy tắc đạo đức thẩm phán và được giảng dạy trong trường đại học của hệ thống tòa án. Với những trường hợp phát hiện vi phạm chuyển cho cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý vi phạm, không bao che. Chánh án đã ban hành quy định 120 về xử lý những vi phạm của thẩm phán và rất nghiêm, thậm chí vượt quá yêu cầu của Quốc hội.

Trong đó, nghị quyết của Quốc hội cho phép tòa án được hủy, sửa 1,5% số vụ án, nhưng quy định 120 chỉ cho 1,16% án hủy, sửa. Nếu thẩm phán nào vượt quá sẽ không được tái bổ nhiệm.

Phương Thuỷ
.
.
.