Không quy định khung, mức tối thiểu hỗ trợ hàng tháng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Phát biểu tại hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với các nội dung của dự thảo và cho rằng dự thảo luật được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 27/10, Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Phát biểu thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo trong việc phối hợp để tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, Hội nghị đại biểu chuyên trách và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); đa số đại biểu Quốc hội tán thành với các nội dung của dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý và cho rằng dự thảo luật được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của tình hình thực tế
Phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đánh giá cao UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý kĩ lưỡng dự án luật. Từ thực tiễn công tác tại các tỉnh Tây Nguyên trong suốt thời gian qua, đại biểu khẳng định dự án luật trình và dự kiến thông qua tại kỳ họp lần này là đáp ứng kịp thời yêu cầu đòi hỏi cấp bách của thực tiễn về bảo vệ ANTT ở cơ sở, với thực trạng và tình hình ở cơ sở hiện nay đã và đang diễn biến phức tạp với nhiều loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật.
Cùng quan điểm này, đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho rằng, tên gọi luật đã khái quát đầy đủ, thống nhất với nội dung dự thảo, phù hợp với mục tiêu xây dựng luật. “Tên gọi này đã thể hiện đúng bản chất là lực lượng tham gia hỗ trợ cho Công an cấp xã trong bảo vệ ANTT ở cơ sở. Mặt khác, cùng với các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và dân phòng còn có các lực lượng tự quản được quần chúng nhân dân tự thành lập để thực hiện các công việc bảo vệ ANTT tại địa phương” – đại biểu Đào Chí Nghĩa khẳng định. Đồng thời cho biết, để huy động sức mạnh của toàn dân tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, dự thảo luật đã quy định rõ lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng làm nòng cốt trong hoạt động hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
Không quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Về quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đại biểu Đào Chí Nghĩa thống nhất với các nhóm nhiệm vụ quy định trong dự thảo luật và cho biết đây là những nhiệm vụ đang quy định cho các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đã được thực tiễn đánh giá. Trên cơ sở đó, dự thảo luật đã kế thừa, chỉnh lý quy định bảo đảm phù hợp, không trùng lắp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền ở cơ sở. Đại biểu đề nghị không quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Cũng đề nghị không quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đại biểu Lê Nhật Thành (Hà Nội) phân tích, theo quy định của hiến pháp và Luật CAND cũng như các luật có liên quan, trên thực tế có nhiều lực lượng tình nguyện tự quản tham gia hỗ trợ CAND trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở. Tuy nhiên, hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc chỉ có 3 lực lượng: tổ dân phố, dân phòng và Công an xã bán chuyên trách. Còn lực lượng thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện tự quản khác tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở trên cơ sở quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan. Hơn nữa, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của các lực lượng này cũng có sự khác biệt so với 3 lực lượng nêu trên.
Về vấn đề quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đại biểu đề nghị giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình và không quy định quyền hạn của lực lượng này. Đại biểu lý giải, bản chất đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ ANTT, không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, mà tính chất hoạt động là tham gia hỗ trợ theo sự phân công, hướng dẫn trực tiếp của Công an cấp xã nên việc quy định quyền hạn của lực lượng này là không phù hợp.
Đại biểu Lê Nhật Thành cũng nhất trí với quy định tại dự thảo luật và đề nghị giữ nguyên như dự thảo Chính phủ trình về mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT. Đó là không quy định khung, không quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện, BHYT trong dự thảo luật. Đại biểu đề xuất quy định theo hướng mở như trong dự thảo luật là để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở là phù hợp với thực tế.
Không nên quy định độ tuổi của người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Tham gia góp ý tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đánh giá cao dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Đại biểu cho biết, qua khảo sát thực tế, lực lượng tham gia đảm bảo ANTT ở cơ sở rất nhiệt tình, tâm huyết với cộng đồng, hỗ trợ chính quyền địa phương trong giải quyết các "điểm nóng" tại cơ sở.
Về độ tuổi tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đồng tình với quy định của dự thảo luật, đó là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, có nguyện vọng tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng, quan trọng là những người có sức khỏe, có tinh thần tự nguyện và trách nhiệm với cộng đồng thì nên tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Đại biểu đề xuất chuyển khoản 2 điều 13: “Ưu tiên tuyển chọn công dân đã có thời gian phục vụ trong lực lượng CAND, QĐND, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở” sang Điều 15 cho phù hợp.
Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) bày tỏ nhất trí cao Báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và cho rằng, trong thời bình, bảo vệ ANTT là trách nhiệm của toàn xã hội, bao gồm cả trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, công dân. Ngoài ra, còn là trách nhiệm của các cá nhân không phải là công dân Việt Nam như người gốc Việt Nam sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch, người nước ngoài đang cư trú, làm ăn trên lãnh thổ Việt Nam. “ Tôi nhất trí cao về tiêu chuẩn như trong dự thảo luật là chỉ quy định độ tuổi tối thiểu là 18 tuổi trở lên. Bởi vì lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng quần chúng tham gia tự nguyện. Do vậy, cần quy định mở về độ tuổi để có thể thu hút được những người tuy đã nhiều tuổi song vẫn đảm bảo về sức khỏe, có sự nhiệt tình, trách nhiệm, uy tín trong việc tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở” – đại biểu nêu quan điểm.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đã có 27 ý kiến phát biểu, 1 ý kiến tranh luận; không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, các ý kiến phát biểu sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận cho thấy, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo trong việc phối hợp để tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội; đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẩn trương chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo luật đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nội quy kỳ họp.