Không nên để Lịch sử là môn học tự chọn

Thứ Tư, 11/05/2022, 17:20

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đề cập tình trạng dư luận xã hội băn khoăn về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện.

Chiều 11/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Cử tri đồng tình việc xem xét kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên chức vụ cao, "hạ cánh cũng không an toàn"

Dự thảo Báo cáo do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày cho biết, cử tri và Nhân dân bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận... chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực, với quyết tâm chính trị cao về xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC); phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (KTXH)... Tiếp tục tổ chức các Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các hội nghị triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KTXH vùng. Nhất là Hội nghị Trung ương 5, đã bàn và quyết định 6 nội dung rất quan trọng, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân quan tâm...

Không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn -0
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân và bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, hiệu quả đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Một số kết quả nổi bật là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển KTXH; tập trung chỉ đạo công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo có tầm nhìn dài hạn, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, xác định các mục tiêu có tính chiến lược quốc gia;

Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia; tích cực chỉ đạo giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri đạt 95,71%; các chỉ tiêu KTXH những tháng đầu năm tiếp tục đà phục hồi, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, chuyển biến tích cực, được các tổ chức quốc tế dự báo khả quan.

Về công tác PCTN,TC, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh PCTN,TC không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm; đồng tình về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh... Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao.

"Như vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á; vụ án "Nhận hối lộ" tại Bộ Ngoại giao, vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" ở tập đoàn FLC; "đấu giá đất bất bình thường" và phát hành trái phiếu trái pháp luật của công ty Tân Hoàng Minh; vụ buôn lậu, xăng giả ở Đồng Nai, Quảng Ngãi…; xem xét kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên có chức vụ cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu "hạ cánh cũng không an toàn", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.

Nhân dân phẫn nộ hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân trăn trở và lo lắng về những khó khăn, thách thức nhiều mặt do dịch COVID-19 gây ra; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển KTXH còn chậm; đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn... Sự phối hợp của một số cơ quan trong giải quyết công việc chưa nhịp nhàng, chặt chẽ. Vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. 

Không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn -0
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận.

Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự bất bình, lên án mạnh mẽ, phẫn nộ đối với những hành vi trục lợi trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, có sự tiếp tay, bao che của một số cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của Nhân dân. Đồng thời, mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, bị can bỏ trốn; công khai, minh bạch kết quả điều tra, xét xử để nhân dân giám sát.

Cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Hoạt động của thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu, thị trường bất động sản... còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; tình trạng dự án đã được giao nhưng không triển khai hoặc chậm triển khai đã tồn tại nhiều năm, lãng phí tài nguyên đất đai, khoáng sản...; tình trạng người dân đã nộp tiền mua đất ở, nhà ở của một số dự án đã nhiều năm nhưng chưa được giao đất, giao nhà ở gây bức xúc trong Nhân dân.

Đề cập tình trạng dư luận xã hội còn băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu thực tế, có một số nước phát triển, nền văn hóa tương đồng với Việt Nam (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đưa trở lại hoặc vẫn duy trì môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.

Từ đó, ông đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn lịch sử ở bậc Trung học phổ thông là môn học tự chọn. "Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã căn dặn: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Do vậy, cần đổi mới cách dạy và học như thế nào để nâng cao chất lượng, chứ không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn", ông nêu rõ.

Bảo Quân
.
.
.