Không đồng tình việc nhận 37 toa tàu cũ phía Nhật Bản

Thứ Bảy, 06/11/2021, 19:28

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, các toa tàu đã quá cũ, không đáp ứng quy định của pháp luật nên Bộ sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc này.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, chiều tối 6/11, các phóng viên cũng đặt câu hỏi về việc thí điểm đón khách quốc tế đã được nghiên cứu và tiến hành đến đâu? Khi nào Việt Nam mới có thể đón khách quốc tế?

Kiên Giang có thể đón khách quốc tế đến Việt Nam từ ngày 20/11

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Hoàng Đạo Cương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8044, ngày 5/11, Bộ VH,TT&DL đã ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có 4 phần: về lộ trình, khách du lịch, quy trình, tổ chức thực hiện. Mỗi phần đều có hướng dẫn chi tiết việc đón khách như thế nào.

Về lộ trình, chia ra 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, tháng 11/2021, khách đi theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thương mại quốc tế: Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh; giai đoạn 2 tháng 1/2022 sẽ mở rộng sang một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện, có thể đã hoàn thành điểm đến đầu tiên sau 7 ngày...; giai đoạn 3 mở cửa hoàn toàn thì căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế trên cơ sở đánh giá việc mở cửa đón khách của 2 giai đoạn đầu.

Không đồng tình nhận 37 toa tàu cũ của Nhật -0
Toàn cảnh họp báo.

"Về khách du lịch, phải đáp ứng điều kiện là khách nước ngoài và người Việt Nam cư trú ở nước ngoài; phải tiêm đủ vaccine COVID-19, có hiệu lực đủ 14 ngày, không quá 12 tháng. Có kết quả PCR âm tính; có bảo hiểm y tế, bảo hiểm du lịch, trong đó có nội dung chi trả COVID-19 với nội dung mức trách nhiệm tối tiểu 50.000 USD...", Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương thông tin.

Về thời điểm, giai đoạn 1 sẽ tiến thành từ ngày 20/11 đến 20/12/2021, Kiên Giang sẽ thử nghiệm quy trình đón khách phục vụ đầu tiên; giữa tháng 11/2021 là Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam; tháng 12/2021, Quảng Ninh sẽ đón khách đến sân bay Vân Đồn...

Chi phí sửa chữa 140 tỷ

Liên quan thông tin Nhật Bản tặng miễn phí 37 toa tàu đã sử dụng, có những luồng ý kiến trái chiều về việc nhận hay không nhận những toa tàu cũ này. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Tháng 10-2021, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có văn bản đề nghị các cơ quan liên quan, trong đó, có Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT... cho phép nhập khẩu 37 toa xe được phía Nhật Bản tặng, cho. Đây là những toa tàu sản xuất từ năm 1979-1982 và là toa tàu tự hành, chạy diesel.

Không đồng tình nhận 37 toa tàu cũ của Nhật -0
Thứ trưởng Bộ Giao thông  Vận tải Nguyễn Ngọc Đông.
​​
"Sau khi nhận văn bản, Bộ đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, vài ngày nữa sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng. Bộ rất nghiêm túc xem xét vì đây trong điều kiện khó khăn hoạt động của doanh nghiệp, nhất là bối cảnh dịch COVID-19 khó huy động vốn để có các phương tiện. Song phải căn cứ vào các quy định của pháp luật", Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.

Điều 32 Luật Đường sắt quy định, phương tiện đường sắt khi đưa vào sử dụng phải còn niên hạn do Chính phủ quy định, đồng thời phải đảm bảo an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng có quy định đối với phương tiện nhập khẩu, toa xe chở khách phải dưới 10 năm.

"Chúng ta chiếu nhanh theo quy định này sẽ thấy, các toa xe mà Tổng Công ty đường sắt đề nghị nhập sản xuất từ năm 1979 - 1982 thì đã khoảng 39 - 42 năm. Như vậy, không đáp ứng được yêu cầu theo quy định của pháp luật",  Thứ trưởng phân tích, đồng thời khẳng định khổ đường sắt của hai nước cũng không phù hợp, nếu mang về phải hoán cải và chi phí sửa chữa là 140 tỷ đồng.

Quỳnh Vinh
.
.
.