Không đánh đồng vai trò phản biện xã hội của báo chí với chỉ trích cực đoan
Các nhà báo không nên đánh đồng vai trò, chức năng giám sát và phản biện xã hội với việc chỉ trích cực đoan, nhìn xã hội với một màu đen, với những góc nhìn tiêu cực. Báo chí cách mạng Việt Nam phải thể hiện tính khách quan, chân thật, công bằng, nhân văn, phải mang tính xây dựng, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.
Đó là khẳng định chung của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo uy tín lâu năm trong hội thảo khoa học quốc gia "Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí trong bối cảnh hiện nay" tại Hà Nội, ngày 16/6.
Phát huy đúng vai trò giám sát phản biện xã hội
Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp tổ chức. Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định: Ở Việt Nam, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của quần chúng nhân dân. Nền báo chí cách mạng Việt Nam là nền báo chí trách nhiệm, phụng sự và đậm chất nhân văn. Báo chí cách mạng không chỉ thực hiện chức năng thông tin - giao tiếp, chức năng tư tưởng, chức năng văn hoá - giáo dục, chức năng kinh tế - dịch vụ mà còn có vai trò, chức năng quan trọng là tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Trong thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí, nhà báo cách mạng tiên phong thực hiện vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội, tạo nên thương hiệu báo chí trong lòng công chúng. Nhiều nhà báo với trách nhiệm công dân cao cả đã dũng cảm dấn thân, hy sinh lợi ích cá nhân để điều tra tận cùng, phanh phui các vụ việc tham nhũng - tiêu cực, cùng với các cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng nhiều tội phạm nguy hiểm gây thất thoát, tổn hại cho đất nước.
Nhà báo Lê Quốc Minh cũng cho rằng, báo chí muốn thể hiện và phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội, trước hết phải đổi mới nội dung, phương thức làm báo theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Các nhà báo cần đổi mới tư duy làm báo, kết hợp tính chính thống và truyền thống với phong cách tác nghiệp hiện đại, áp dụng chiến lược nội dung đa phương tiện và đa nền tảng, nắm bắt các công nghệ làm báo mới mẻ, tăng cường tính sáng tạo trong các sản phẩm báo chí. Các nhà báo không nên đánh đồng vai trò, chức năng giám sát và phản biện xã hội với việc chỉ trích cực đoan, nhìn xã hội với một màu đen, với những góc nhìn tiêu cực.
Báo chí cách mạng Việt Nam phải thể hiện tính khách quan, chân thật, công bằng và nhân văn, có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Báo chí có vai trò định hướng tư tưởng, chính trị, dư luận xã hội theo hướng tích cực; cung cấp kiến thức, tri thức hữu ích, hướng thiện cho công chúng.
Báo chí cách mạng Việt Nam phải mang tính xây dựng, hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn. Bên cạnh nhiệm vụ thực hiện các chức năng xã hội của mình, mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo cách mạng chân chính phải có trách nhiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước và nhân dân…
Nhiều bài học, giải pháp thiết thực từ các nhà báo uy tín
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng làm sáng rõ hơn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí. Nhà báo, TS Đặng Thị Huyền, Trưởng Ban Kinh tế - Pháp luật, Báo CAND chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp về đề tài phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên Báo CAND.
Theo Thượng tá Đặng Thị Huyền, trên thế giới cũng như tại Việt Nam, mảng thông tin về các vấn đề liên quan đến tội phạm được công chúng rất quan tâm. Thông tin về tội phạm là một dạng thông tin đặc biệt kích thích với công chúng. Trong bối cảnh báo chí đương đại với các phương thức truyền thông kỹ thuật số hiện đại thì báo chí viết về tội phạm vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ, hình thành nên một dòng báo chí đặc biệt trên thế giới - báo chí chuyên về tội phạm. Tuy nhiên, tội phạm chứa đựng trong đó hành vi, hành động nguy hiểm cho xã hội, trong đó có thể là tội ác đến man rợ. Thông tin về tội phạm vì thế rất dễ sa đà vào mô tả tội ác, giật gân câu khách.
Đội ngũ những người duyệt và tổ chức thông tin của toà soạn Báo CAND nhận thức được rằng, đằng sau những thông tin "đầu rơi máu chảy", "tình, tiền, tù, tội", báo chí phải đưa ra được những bài học có tính chất cảnh báo, phòng ngừa. Đó là trách nhiệm xã hội của báo chí, đồng thời phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong những năm qua, khi tổ chức thông tin về các vấn đề liên quan đến tội phạm và phòng, chống tội phạm, Báo CAND đã không chỉ phục vụ nhu cầu thông tin nhanh của công chúng về các vụ án mà còn góp phần truyền thông đến họ các bài học cảnh giác, phòng ngừa tội phạm nhằm nâng cao năng lực nhận thức của công chúng, cổ vũ, động viên họ tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Nhiều nhà báo có uy tín cũng đã chia sẻ ý kiến tâm huyết và giải pháp thiết thực nhằm phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí hiện nay. Trong đó, nhà báo Nguyễn Văn Hải, Thư ký toà soạn Báo Tuổi trẻ chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm đối với các nhà báo trẻ khi viết điều tra, giám sát phản biện xã hội về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn. Nhà báo Nguyễn Công Khanh, Thư ký toà soạn Báo Đại Đoàn Kết chia sẻ thực tiễn và kinh nghiệm giám sát, phản biện xã hội của báo Đại Đoàn Kết qua vụ việc lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan của "Câu lạc bộ tình người"…
Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, hơn 70 tham luận cùng nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà báo uy tín tại hội thảo đã góp phần tạo nên bức tranh toàn diện về vấn đề phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí. Hội thảo là cơ sở cung cấp một số luận cứ khoa học để kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí hiện nay và thời gian tới.