Khép lại chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 và các hội nghị liên quan

Thứ Bảy, 27/07/2024, 20:33

Ngày 27/7, tại Vientiane, Lào, các Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước đối tác đã tham gia các hoạt động cuối cùng trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 và các hội nghị liên quan.

Các hội nghị bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ, ASEAN+3, các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự họp.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Hoa Kỳ hoan nghênh những tiến triển tích cực trong quan hệ hai bên thời gian qua, nhất là tiến độ triển khai Kế hoạch hành động 2021-2025 đạt tỷ lệ cao 98.4%, Hoa Kỳ tiếp tục là nhà đầu tư FDI lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ với ASEAN, coi đây là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đồng thời cam kết ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Khép lại chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 và các hội nghị liên quan -0
Được sự ủy quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu dự các cuộc họp trong khuôn khổ AMM 57.

Các nước nhất trí đẩy mạnh phối hợp ứng phó thách thức chung, thúc đẩy hợp tác vì an ninh, thịnh vượng, tự cường và kết nối, tập trung ưu tiên tăng cường thương mại, đầu tư, năng lượng, an ninh mạng, y tế, môi trường và khí hậu, hợp tác khoa học công nghệ, chuyển đổi số, quản trị trí tuệ nhân tạo…

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) hoan nghênh những tiến triển đáng khích lệ trong hợp tác thời gian qua, trong đó tỷ lệ triển khai Kế hoạch Công tác Hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2023-2027 đạt được gần 50% chỉ sau 18 tháng thực hiện.

Các nước nhất trí tiếp tục phối hợp làm sâu sắc hơn các lĩnh vực hợp tác hiện có, nhất là thương mại, đầu tư, tài chính, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và các thách thức an ninh phi truyền thống, du lịch, khoa học công nghệ, giáo dục, giao lưu nhân dân, đồng thời nhấn mạnh cần củng cố các cơ chế ổn định tài chính khu vực, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xe điện, năng lượng, tăng trưởng xanh.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) ủng hộ chủ đề ASEAN 2024 về thúc đẩy kết nối và tự cường, nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới và khu vực đang chứng kiến những biến động nhanh chóng, khó lường, EAS cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là diễn đàn của các lãnh đạo về các vấn đề chiến lược ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và thịnh vượng.

Các nước nhất trí cần phối hợp khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác to lớn của EAS, nhấn mạnh triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động EAS giai đoạn 2024-2028, tập trung vào những lĩnh vực giàu tiềm năng mà ASEAN quan tâm và Đối tác EAS có thế mạnh như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), các nước tiếp tục khẳng định ARF là diễn đàn hàng đầu ở khu vực trao đổi và đối thoại về các vấn đề chính trị an ninh, nhất trí cần duy trì đối thoại thiện chí, thúc đẩy xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nâng cao hiệu quả hoạt động của ARF nhằm ứng phó hiệu quả và kịp thời các thách thức đang nổi lên, gồm cả các thách thức truyền thống và phi truyền thống.

Hội nghị thông qua danh mục các hoạt động năm giữa kỳ 2024-2025, với gần 30 hoạt động trong các lĩnh vực như ứng phó biến đổi khí hậu, cứu trợ thảm họa, an ninh mạng, an ninh biển... Trong đó, Việt Nam sẽ đồng tổ chức một số hoạt động như thực thi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Chương trình Nghị sự phụ nữ, hoà bình và an ninh (WPS).

Với vai trò đồng chủ trì nhóm giữa kỳ ARF về cứu trợ thảm họa, Việt Nam, Bangladesh và Srilanka đã đề xuất và được hội nghị thông qua gia hạn Kế hoạch Công tác ARF về Cứu trợ thiên tai cho giai đoạn 2024-2027. Dịp này, hội nghị cũng thông qua Tuyên bố ARF tăng cường hợp tác khu vực về an toàn phà do Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, và Singapore đồng bảo trợ.

Tại các hội nghị, các nước dành nhiều thời gian trao đổi, chia sẻ quan điểm và lập trường về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như Biển Đông, Myanmar, Trung Đông, Bán đảo Triều Tiên, xung đột Nga-Ukraine. Các nước chia sẻ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa và ảnh hưởng đối với hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển, bày tỏ ủng hộ cách tiếp cận cân bằng và khách quan của ASEAN, nhấn mạnh các nguyên tắc như tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện tự kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Phát biểu tại các hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt hoan nghênh các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS và ARF tiếp tục phát huy vai trò và thế mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trước các chuyển động phức tạp, khó lường hiện nay, thứ trưởng đề nghị các nước tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng ASEAN ứng phó các thách thức chung, thúc đẩy đối thoại, hợp tác và tin cậy, xây dựng cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Về một số lĩnh vực hợp tác cụ thể, Thứ trưởng đề nghị tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư, thương mại, tận dụng hiệu quả các FTA và các thỏa thuận thương mại khác ở khu vực, duy trì chuỗi cung ứng tự cường và bền vững, ưu tiên tăng cường kết nối, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển và hợp tác tiểu vùng.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam, đề nghị các đối tác ủng hộ và tôn trọng lập trường của ASEAN về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trước các diễn biến phức tạp hiện nay, cũng như các nỗ lực của ASEAN trong xây dựng Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, đồng thời tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Kết thúc chuỗi hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57, gồm 165 đoạn, phản ánh đầy đủ và toàn diện nội dung thảo luận về tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, hợp tác ASEAN trên từng trụ cột Cộng đồng, quan hệ đối ngoại của ASEAN và các vấn đề quốc tế, khu vực. Chủ tịch Lào ra Tuyên bố Chủ tịch của các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, và ARF.

Trước đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt thay mặt Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Quan hệ đối tác Mekong - Hoa Kỳ (MUSP) lần thứ 3.

Khép lại chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 57 và các hội nghị liên quan -0
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Quan hệ đối tác Mekong - Hoa Kỳ lần thứ 3. 

Hội nghị lần này kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ giữa Mekong và Hoa Kỳ, khởi đầu với Sáng kiến Hạ nguồn Mekong và được nâng cấp lên quan hệ đối tác Mekong – Hoa Kỳ năm 2020. Các nước thành viên đánh giá thông qua triển khai thành công Kế hoạch hành động 2021-2023, MUSP đã góp phần nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, bảo đảm an ninh lương thực – năng lượng – nguồn nước.

MUSP đã tiên phong hỗ trợ tiểu vùng trong trao quyền cho phụ nữ và thanh niên, thiết lập kênh đối thoại thường niên của học giả, chuyên gia đề xuất các giải pháp cho phát triển bền vững và các thách thức chung của tiểu vùng.

Việt Nam và các nước Mekong nhấn mạnh nhu cầu của tiểu vùng cần trở thành yếu tố cốt lõi trong hợp tác MUSP, và đề xuất một số ưu tiên trong thời gian tới về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý nguồn nước bền vững, kết nối kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối mạng lưới doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ lao động công nghệ cao, khuyến khích các viện nghiên cứu hàng đầu của các nước thành viên tiến hành nghiên cứu chung về công nghệ mới và mới nổi.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố đồng chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng MUSP lần thứ 3 và Kế hoạch hành động MUSP 2024-2026 cùng với danh mục dự án cụ thể. Tại hội nghị, Lào đã chuyển giao vai trò đồng chủ trì hợp tác MUSP cho Thái Lan.

Tiên An
.
.
.