Khẩn trương cấp điện trở lại khi bão đi qua
Tổng công ty điện lực và công ty điện lực các tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó bão số 3, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua.
Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có Công điện hoả tốc số 6814/CĐ-BCT ngày 7/9 gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bão số 3 về việc ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 để sớm cung cấp điện trở lại.
Thực hiện Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 7/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Chỉ đạo các tổng công ty điện lực và công ty điện lực các tỉnh tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó bão số 3, khẩn trương khắc phục các sự cố hệ thống lưới điện đảm bảo an toàn để cấp điện trở lại ngay sau khi bão đi qua; đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho công tác phòng chống bão. Các đơn vị trong ngành điện tại các địa phương ít bị ảnh hưởng bởi bão huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để hỗ trợ khắc phục sự cố hệ thống điện do bão gây ra.
Các công ty điện lực tại các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành tại địa phương tham gia phối hợp chặt chẽ với ngành điện để ứng phó, khắc phục hậu quả của bão. Các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và hoàn lưu bão; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão...
Đối với Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia, Bộ Công Thương yêu cầu chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa nguồn lực duy trì chế độ trực 24/24h, đảm bảo chế độ liên lạc thông suốt với các đơn vị phát điện và đơn vị truyền tải điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mọi tình huống, tuân thủ nghiêm quy định về điều độ hệ thống điện. Có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra.
Cùng với đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố huy động tối đa lực lượng phối hợp chặt chẽ với các công ty điện lực tại địa phương trong công tác khắc phục sự cố hệ thống điện. Tham mưu, đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo đơn vị điện lực và các đơn vị khác liên quan khẩn trương triển khai các nhiệm vụ ứng phó bão và khắc phục các sự cố do bão gây ra để sớm cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Các chủ đập thủy điện trên địa bàn tổ chức trực ban 24/24h, giữ liên lạc thông suốt để kịp thời báo cáo về các tình huống sự cố do bão gây ra; triển khai công tác bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố; thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa, quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; tăng cường kiểm tra các hạng mục thiết bị, máy móc phục vụ vận hành an toàn công trình đập trong mọi tình huống.
Cục Điều tiết điện lực theo dõi chặt chẽ tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia, chỉ đạo các đơn vị chức năng chuẩn bị các phương án ứng phó với các sự cố hệ thống điện do bão gây ra.
Giám sát chặt chẽ, đảm bảo an toàn trong khắc phục sự cố điện do siêu bão Yagi
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 6/9, do ảnh hưởng của bão Yagi công suất cực đại của hệ thống điện quốc gia ghi nhận mức giảm 4,2% so với ngày trước đó, trong khi sản lượng điện giảm 3,6%. Khu vực miền Bắc ghi nhận mức giảm 8,7% sản lượng điện và 8,4% công suất cực đại. Ngày 6/9, lưới điện cơ bản vận hành ổn định. Tuy nhiên, đến 20h36, xảy ra sự cố mất điện toàn trạm 500kV Hòa Bình nhưng không gây mất điện phụ tải, nghi ngờ do sét đánh. Ngay sau khi xảy ra sự cố, các đơn vị đã kiểm tra và khắc phục sự cố. Đến 5h13 ngày 7/9, các đơn vị đã hoàn thành việc khôi phục máy biến áp AT1, AT2 và các ngăn máy cắt của trạm biến áp 500kV Hòa Bình.
Đến 10h40 sáng ngày 7/9, một số tổ máy ở Quảng Ninh tạm dừng phát lên lưới do lưới điện bị sự cố.
Tính đến 15h ngày 7/9, 5 đường dây 500kV và 82 đường dây 220kV, 110kV đã bị ảnh hưởng bởi bão. Tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là Quảng Ninh và Hải Phòng, đã xảy ra mất điện diện rộng. Riêng tại Hà Nội, mặc dù có hai sự cố đường dây 110kV nhưng không gây mất điện phụ tải.
Cục Điều tiết Điện lực cam kết sẽ giám sát chặt chẽ tình hình cung cấp điện và đảm bảo an toàn trong quá trình khắc phục sự cố.
Hà Nội khôi phục sự cố điện cho hơn 124.000 khách hàng
Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVNHANOI) thông tin, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, từ 16h ngày 6/9 đến 16h ngày 7/9, trên địa bàn thành phố đã xảy ra tổng cộng 91 sự cố về lưới điện và trạm điện, phần lớn là do cây, vật thể lạ gẫy đổ, bay vào đường dây điện.
Cụ thể, có 91 đường dây trung áp đã bị ảnh hưởng do bão số 3. Tổng cộng, có 124.407 khách hàng trên địa bàn thành phố đã bị mất điện. Tính đến thời điểm hiện tại, 124.405 khách hàng đã được khôi phục lại điện. Ngoài ra, còn có 2 đường dây 110kV đã nhảy sự cố nhưng không mất điện khách hàng.
Được biết, các khu vực bị mất điện do bão gây ra tập trung tại các quận, huyện ngoại thành gồm: Phú Xuyên; Thường Tín; Thanh Trì; Sóc Sơn; Ba Vì; Sơn Tây; Mê Linh; Phúc Thọ; Quốc Oai; Thạch Thất; Đông Anh; Gia Lâm; Long Biên; Thanh Oai; Mỹ Đức.
Để chuẩn bị ứng phó với bão, EVNHANOI đã huy động toàn bộ lực lượng xung kích 1.280 người trực liên tục từ 22h ngày 6/9 cho đến khi khắc phục xong bão. EVN cũng dự kiến sẽ huy động toàn bộ lực lượng khoảng 2.000 cán bộ công nhân viên để khắc phục xử lý khi bão đổ bộ vào Hà Nội, ảnh hưởng sau bão.
EVNHANOI cũng đã sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, hệ thống thông tin liên lạc cùng nhiều vật tư dự phòng để xử lý sự cố. Ngoài ra, 7 xe ôtô đi trên đê, 32 xe dưới 16 chỗ; 12 xe cẩu tự hành; 89 xe bán tải, 27 xuồng cứu sinh; 98 phao và 738 áo phao đã được EVNHANOI chuẩn bị để tiến hành công tác khắc phục các sự cố.
Với lượng mưa và cấp độ gió của cơn bão tại thời điểm hiện tại, EVNHANOI vẫn duy trì được lưới điện vận hành thường xuyên, liên tục cung cấp điện cho thành phố, sắn sàng mọi tình huống, hạn chế mức thiệt hại thấp nhất do bão gây ra.