Khai mạc Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng"
Sáng 8/12, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng".
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Hội trường lớn Bộ Công an đến 63 điểm cầu Công an các địa phương.
Đại tướng, GS.TS. Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì Hội thảo.
Tham dự hội thảo, về phía đại biểu khách mời có các đồng chí: Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an; PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Quế Đình Nguyên, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân; PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thiếu tướng, TS. Phạm Việt Trung, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng, Bộ Quốc phòng; Bùi Tấn Quang, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Tấn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
Về phía lãnh đạo Bộ Công an còn có các đồng chí: Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Tham dự hội thảo còn có các nhà khoa học, tướng lĩnh, sỹ quan từ các đơn vị, các cơ sở đào tạo trong và ngoài lực lượng CAND, và hơn 2.000 đại biểu là đại diện lãnh đạo tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương, Ban Giám đốc, lãnh đạo cấp phòng của lực lượng CAND tại các điểm cầu trực tuyến trong cả nước.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia - dân tộc là chủ trương chiến lược, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong mọi thời kỳ. Thực tiễn đã chứng minh: Chỉ khi độc lập, chủ quyền của Tổ quốc được toàn vẹn, lợi ích quốc gia - dân tộc được bảo vệ, hòa bình đất nước được giữ vững, thì nhân dân mới được hưởng tự do, hạnh phúc thực sự; mới có điều kiện, môi trường thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra một không gian chiến lược mới - "không gian mạng". Không gian mạng đã trở thành môi trường chủ yếu, không thể thiếu trong triển khai các chiến lược, quan hệ đối ngoại, củng cố, duy trì hoạt động kinh tế - xã hội của các quốc gia, mang lại những lợi ích to lớn, đóng góp quan trọng vào việc đổi mới tư duy và sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, đây cũng là môi trường dễ bị các thế lực thù địch, phản động lợi dụng chống phá với quy mô, mức độ, đối tượng rộng và khó kiểm soát.
"Không gian mạng giờ đây đã trở thành "không gian chiến lược mới", "vùng lãnh thổ đặc biệt" gắn chặt với chủ quyền về đất liền, biển, đảo, trên không và vũ trụ. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Theo đồng chí, trong thời gian qua, cùng với cả hệ thống chính trị, lực lượng CAND luôn là một trong những lực lượng nòng cốt, đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, giữ vai trò trọng yếu trong bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35, ngày 22/10/2018 "Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" gắn với Kết luận số 53, ngày 4/6/2019 của Ban Bí thư "Về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu độc trên internet, mạng xã hội" đã tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng, với tinh thần khoa học, dân chủ, trách nhiệm, hội thảo sẽ có ý nghĩa thiết thực, góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; những yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong tình hình mới được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; phát huy vai trò và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn cho rằng, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở Việt Nam những năm gần đây là vấn đề khá mới và đặt ra nhiều thách thức trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đất nước. Đây cũng là chủ đề của nhiều công trình nghiên cứu, của các hội thảo khoa học ở các cấp độ khác nhau, của nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là của ngành Công an.
Hội thảo khoa học hôm nay là bước tiếp theo của quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học ở tầm quốc gia nhằm mục đích nghiên cứu một cách cơ bản và toàn diện, làm rõ hơn những khía cạnh của vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn ở Việt Nam, trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam XHCN.
"Tính đến hôm nay, Ban tổ chức đã nhận được tổng số 70 tham luận từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ban bộ ngành Trung ương, các cộng tác viên của các cơ quan, viện nghiên cứu, học viện trong CAND, QĐND, một số bộ, ngành Trung ương và nhiều viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước", PGS.TS Phạm Minh Tuấn thông tin.
Căn cứ mục đích, yêu cầu của hội thảo và nội dung các tham luận khoa học, Ban tổ chức đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ hơn nội hàm của khái niệm "chủ quyền quốc gia trên không gian mạng", mối liên hệ biện chứng giữa "không gian mạng" và "chủ quyền quốc gia"; vấn đề an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng; dự báo nguy cơ gia tăng bất đồng, tranh chấp, thậm chí là xung đột giữa các quốc gia trong áp dụng chủ quyền không gian mạng.
Bên cạnh đó, đánh giá từ nhiều góc độ thực trạng hoạt động của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ở nước ta trong những năm qua. Những kết quả, kinh nghiệm cũng như hạn chế, bất cập và nguyên nhân của những hạn chế, bật cập trong hoạt động này. Những yêu cầu mới đặt ra về quản lý, bảo vệ lãnh thổ, lợi ích quốc gia - dân tộc trên không gian mạng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các văn kiện khác của Đảng. Yêu cầu, định hướng và các giải pháp tổng thể và các giải pháp cụ thể nhằm bảo bảo vệ vững chắc và hiệu quả chủ quyền quốc gia trên không gian mạng...
Phóng viên Báo CAND sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội thảo quan trọng này.