Kết quả kiểm toán năm 2023: Hàng loạt địa phương có sai sót bị nhắc tên

Thứ Tư, 13/09/2023, 06:59

Trong 8 tháng đầu năm, thông qua gần 100 cuộc kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều bất cập tại một số bộ, ngành, thành phố, địa phương, doanh nghiệp trong việc thu ngân sách chưa đúng, chi ngân sách chưa đảm bảo, thậm chí chi nhiều khoản “khó hiểu”…

Được nhắc đến đầu tiên trong kết quả kiểm toán năm 2023 là vấn đề thu ngân sách nhà nước. Kiểm toán nhà nước cho hay, tại nhiều địa phương, việc miễn, giảm tiền thuê đất không đúng đối tượng; chưa điều chỉnh, hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất đối với một số trường hợp.

Cụ thể như tỉnh Thanh Hoá có 6 trường hợp. Đắk Lắk có 3 trường hợp và Lâm Đồng có 1 trường hợp. Tại Thành phố Hà Nội, KTNN cũng phát hiện một số người nộp thuế kê khai tên hàng hóa/dịch vụ chưa rõ ràng làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định với tổng số tiền thuế kê khai lên tới 180.714 triệu đồng. Tại tỉnh Quảng Ngãi còn có trường hợp bàn giao đất trên thực địa khi chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các dự án đã hết thời hạn thuê đất nhưng chưa làm thủ tục gia hạn hoặc thu hồi đất (29 dự án)...

Kết quả kiểm toán năm 2023: Hàng loạt địa phương có sai sót bị nhắc tên -0
Kiểm toán đã phát hiện một số địa phương giao đất, cho thuê đất, đầu tư dự án không đúng quy định. Ảnh minh hoạ.

Về chi thường xuyên, việc lập dự toán một số nhiệm vụ chưa phù hợp đã xảy ra với Bộ Tư pháp. Cụ thể, bộ này đã lập dự toán lương bao gồm kinh phí đảm bảo tăng lương thường xuyên năm 2022 chưa phù hợp quy định số tiền 27.774 triệu đồng; lập dự toán tiền lương bao gồm kinh phí trả lương hợp đồng chưa phù hợp với quy định tại điểm d khoản 4 Điều 12 Thông tư số 61/2021/TT-BTC, số tiền 180.426 triệu đồng. Cũng ở Bộ này, kiểm toán chỉ rõ việc ngân sách phân bổ không đúng như Tổng cục Thi hành án dân sự điều hoà phí cho Văn phòng Tổng cục thi hành án dân sự 613 triệu đồng khi chưa được Bộ Tư pháp giao dự toán chưa đúng quy định khoản 4 Điều 8 Luật NSNN.

Cũng với sai sót này, tỉnh Đắk Lắk phân bổ kinh phí sự nghiệp giáo dục thấp hơn mức phân bổ Thủ tướng Chính phủ giao số tiền 95.259 triệu đồng;  Một số huyện, thành phố thuộc tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa và thành phố Hà Nội giao dự toán chi thường xuyên, vốn sự nghiệp kinh tế để xây mới, cải tạo, mở rộng một số hạng mục công trình, dự án mang tính chất đầu tư xây dựng cơ bản chưa đúng quy định.

Trong khi đó, Bộ Công Thương lại phân bổ khoản chi thường xuyên chưa đảm bảo cơ sở. Cụ thể, lập dự toán hỗ trợ học phí cho con thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài 10.004,4 triệu đồng chưa đầy đủ căn cứ theo quy định khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2019/NĐ-CP; lập dự toán kinh phí thuê nhà của các thương vụ nhưng chưa thuyết minh chi tiết diện tích của từng nhà thuê 86.805,3 triệu đồng. Thậm chí, nhiều tỉnh, thành còn sử dụng sai mục đích ngân sách chi thường xuyên như Đắk Lắk, Nghệ An, Quảng Ngãi, Đồng Nai và Thành phố Hà Nội. Hay tạm ứng ngân sách quá hạn chưa thu hồi như Hà Nội tạm ứng 284.801 triệu đồng; các tỉnh gồm: Đồng Nai 28.459 triệu đồng, Thanh Hóa là 8.699 triệu đồng, Lâm Đồng là 88.955 triệu đồng , Hưng Yên là 6.084 triệu đồng…

Liên quan đến lĩnh vực chi đầu tư xây dựng cơ bản, KTNN cũng chỉ ra thực trạng một số địa phương chưa bố trí vốn cho dự án hoàn thành; chưa ưu tiên bố trí vốn xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản; bố trí vốn cho một số dự án không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hoặc chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, thiếu thủ tục đầu tư; chưa ưu tiên trả nợ vốn ứng trước; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu không phù hợp Luật Đấu thầu; số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi lớn (gồm một số đơn vị thuộc thành phố Hà Nội; tỉnh Quảng Ngãi, Đồng Nai, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Hưng Yên); nợ XDCB đến 31/12/2022 lớn như tỉnh Lâm Đồng 25.143 triệu đồng, Thanh Hóa 754.782 triệu đồng, Quảng Ngãi 336.858 triệu đồng.

Tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính, các đoàn kiểm toán đã phát hiện một số đơn vị đầu tư không hiệu quả, có kết quả kinh doanh năm 2022 lỗ và lỗ luỹ kế. Chẳng hạn như Công ty mẹ - Becamex đầu tư  Công ty CP Xây dựng và Giao thông Bình Dương ( lỗ 40,89 tỷ đồng), Công ty CP Cao su Bình Dương (lỗ 4,23 tỷ đồng), Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW ( lỗ 797,98 tỷ đồng), Công ty CP Giải pháp năng lượng thông minh Việt Nam - Singapore ( lỗ 62,24 tỷ đồng); Công ty mẹ - VEC đầu tư Công ty cổ phần Cầu Cần Thơ lỗ 2,13 tỷ đồng, còn Công ty CP Đầu tư Đường Cao tốc Mỹ Thuận ngừng hoạt động nhiều năm; Với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) có 16/47 công ty con lỗ lũy kế đến 31/12/2022 là 998,63 tỷ đồng, 6/18 công ty liên kết lỗ 1.000,53 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV TCT Cao su Đồng Nai có 7/19 khoản đầu tư lỗ 1.029,44 tỷ đồng. Thậm chí, kiểm toán cũng phát hiện tình trạng một số dự án xây dựng cơ bản dở dang đã dừng thực hiện nhiều năm như ở VRG có dự án Thủy điện Sông Nam - Sông Bắc (Công ty CP Thủy điện Sông Côn); Dự án khu dân cư tại Trảng Bom (Công ty CP Công nghiệp và xuất nhập khẩu cao su).

Một số chi nhánh thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh cao gấp nhiều lần so với số bình quân chung của hệ thống, kéo dài nhiều năm nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục như Chi nhánh Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau có số tiền quá hạn, nợ khoanh chiếm tỷ lệ từ 3% - 12% so với tổng số nợ quá hạn, khoanh của toàn quốc liên tục từ năm 2019 đến năm 2022. Cho vay sai đối tương cụ thể là cho vay giải quyết việc làm cho đối tượng lao động đã có việc làm ổn định đóng BHXH liên tục 3 năm (đến thời điểm kiểm toán, ngân hàng chính sách xã hội đã thu hồi được 336 khoản vay tổng dư nợ 17,19 tỷ đồng)…

Như vậy, tính đến hết ngày 31/8/2023, toàn ngành đã xét duyệt 127 kế hoạch kiểm toán, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 93 cuộc. Lãnh đạo KTNN đã tổ chức xét duyệt 94 Dự thảo báo cáo kiểm toán (BCKT), phát hành 61 BCKT. Tổng hợp kết quả kiểm toán đối với 61 BCKT đã phát hành, KTNN kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu NSNN 980 tỷ đồng, giảm chi NSNN 2.234 tỷ đồng; kiến nghị khác 7.409 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Đặng Nhật
.
.
.