Kết hợp cả "tiền kiểm" và "hậu kiểm" khi phổ biến phim trên mạng
Phương án này vừa đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng, vừa gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm soát, ngăn chặn phim vi phạm.
Chiều nay, 15/6, với 90,16% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Dự án luật này gồm 8 chương, 50 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Một trong những vấn đề còn hai loại ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Chính phủ trình là về phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21). Về loại ý kiến thứ 1, đa số ý kiến ĐBQH và các cơ quan, tổ chức đề nghị kết hợp biện pháp "tiền kiểm" với "hậu kiểm".
Theo đó, các biện pháp "tiền kiểm" bao gồm: Quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về đối tượng được phép phổ biến phim trên không gian mạng; quy định về tiêu chí phân loại phim, kiểm soát việc thực hiện tự phân loại phim, yêu cầu cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về danh sách phim, mức phân loại phim trước khi phổ biến.
Biện pháp "hậu kiểm" bao gồm các quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan, việc ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các giải pháp kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phim vi phạm, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
"Phương thức kiểm soát này có ưu điểm là bảo đảm cơ chế kiểm soát linh hoạt việc phổ biến phim trên không gian mạng; vừa đề cao tính chủ động và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là các cơ sở điện ảnh phổ biến phim trên không gian mạng, vừa gắn trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ vào kiểm soát, ngăn chặn phim vi phạm; phù hợp với điều kiện nhân lực, tài chính, phương tiện kỹ thuật thực tế ở nước ta và xu thế quản lý trên thế giới", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật nêu rõ.
Loại ý kiến thứ 2, một số cơ quan và ĐBQH đề nghị thực hiện biện pháp "tiền kiểm" đối với phim phổ biến trên không gian mạng. Theo đó, tất cả phim trước khi phổ biến trên không gian mạng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ưu điểm của phương án này là kiểm soát chặt chẽ từ đầu toàn bộ nội dung phim trước khi phổ biến, giảm thiểu các bộ phim có nội dung không phù hợp trên không gian mạng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ 1 (tiền kiểm kết hợp với hậu kiểm) là phù hợp. Căn cứ đề xuất của Chính phủ, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý và quy định các biện pháp quản lý bảo đảm tính khả thi, phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam hiện nay và xu thế chung của thế giới, bảo đảm việc kiểm soát chặt chẽ nội dung phim, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm như dự thảo luật.
Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài (Điều 13) cũng có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ 1 yêu cầu cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt vì cho rằng: Trong thực tiễn, nhiều bộ phim nước ngoài chỉ thực hiện một số cảnh quay tại Việt Nam. Do đó, việc đề nghị cung cấp kịch bản tóm tắt và kịch bản chi tiết nội dung quay ở Việt Nam giúp cơ quan quản lý nhà nước bám sát được các yếu tố nhạy cảm; đồng thời, tạo thuận lợi, khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam.
Đối với phim có phần lớn hoặc toàn bộ cảnh quay tại Việt Nam thì kịch bản chi tiết các cảnh quay ở Việt Nam gần như là kịch bản chi tiết của toàn bộ phim, do đó được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Loại ý kiến thứ 2 yêu cầu cung cấp kịch bản phim bằng tiếng Việt (đầy đủ) vì cho rằng: Kịch bản tóm tắt phim chưa thể hiện toàn bộ nội dung phim. Cung cấp kịch bản đầy đủ tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước đánh giá tổng thể nội dung kịch bản phim, thẩm định, quản lý nội dung phim, bảo đảm các yêu cầu về chính trị, quốc phòng, an ninh. Phương án này được Chính phủ lựa chọn.
Ngày 13/6/2022, UBTVQH đã gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH đối với 2 phương án nêu trên. Kết quả cho thấy, đa số ĐBQH lựa chọn phương án 1: Kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý, quy định như dự thảo Luật.