Hợp tác, phát triển bền vững giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Lào

Thứ Sáu, 10/11/2023, 08:18

Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài hơn 2.300km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký thỏa thuận với 5 tỉnh khu vực Nam Lào trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, gần đây, Thừa Thiên Huế đang tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường, cửa khẩu biên giới với Lào nhằm kết nối, thông thương hàng hóa từ Lào về Việt Nam và tạo động lực phát triển cho các nước nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây.

Đầu tư cơ sở hạ tầng để thông thương hàng hóa

Mới đây, đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đoàn công tác đã khảo sát một số tuyến đường biên giới tại huyện A Lưới. Tại cửa khẩu Hồng Vân, huyện A Lưới, đoàn khảo sát phương án dịch chuyển điểm đấu nối giao thông tại cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài (Salavan, Lào) nhằm tạo thuận lợi trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đáp ứng tốt nhu cầu thông thương, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương có chung đường biên giới. Đối với dự án đường từ xã Trung Sơn, huyện A Lưới đi cột mốc 646 được Bộ Quốc phòng phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 9/2022 và được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất hướng tuyến dự án. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng hơn 8,5 km với tổng mức đầu tư 140 tỷ đồng…

Hiện, các cơ quan, ban ngành và đơn vị liên quan đang hoàn thiện các thủ tục, trình tự thủ tục về chuyển đổi rừng, giải phóng mặt bằng, giao đất… để chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Hợp tác, phát triển bền vững giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương của Lào -0
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khảo sát phương án dịch chuyển điểm đấu nối giao thông tại cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài.

"Việc dịch chuyển điểm đấu nối giao thông tại cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài và xây dựng tuyến đường từ xã Trung Sơn, huyện A Lưới đi mốc 646 là rất cần thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường giao lưu, hợp tác và phát triển bền vững giữa 2 tỉnh Thừa Thiên Huế (Việt Nam) và tỉnh Salavan (Lào) cũng như nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên tuyến biên giới", Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chia sẻ.

Khoảng 3 năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng than đá ở Việt Nam tăng cao, khoảng 97 triệu tấn/năm. Than đá từ Lào về đang được vận chuyển bằng đường bộ qua cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) theo đường Hồ Chí Minh qua quốc lộ 49A về cảng Chân Mây và Thuận An (Thừa Thiên Huế). Tuyến đường này dài hơn 150 km qua đồi núi, nhiều khúc cua nguy hiểm, từng xảy ra một số vụ tai nạn với xe chở than. Để giảm thiểu rủi ro khi chạy trên cung đường hiểm trở, tăng sản lượng chở than, Công ty CP PTS Viễn Đông đã đề nghị với tỉnh Thừa Thiên Huế được khảo sát, lập dự toán đầu tư xây dựng hệ thống vận chuyển than đá xuyên biên giới qua cửa khẩu Cô Tài (Salavan, Lào) với cửa khẩu Hồng Vân bằng đường ống áp suất và băng tải. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 8.000 tỷ đồng, được chia thành 3 giai đoạn, hoàn thành sau 2 năm.

Sau khi khảo sát thực địa, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh thống nhất chủ trương, cho phép Công ty CP PTS Viễn Đông khảo sát, nghiên cứu dự án đầu tư xây băng tải chở than từ Lào qua cửa khẩu Hồng Vân và A Đớt. Được biết, hiện mỏ than Kà Lừm (Sekong, Lào) về các cảng Thừa Thiên Huế và Quảng Trị có trữ lượng khoảng 670 triệu tấn. Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị doanh nghiệp này cần tuân thủ quy định pháp luật của cả Việt Nam và Lào, lưu ý về hướng tuyến và công nghệ, giảm thiểu tác động đến môi trường, đất rừng...; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để dự án có tính khả thi, hiệu quả cao nhất.

Tại hội nghị "Gặp gỡ Thái Lan" vừa qua, tham gia phiên thảo luận về "Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC): Thúc đẩy hợp tác và hội nhập chuỗi cung ứng", lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh có kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho nâng cấp mở rộng quốc lộ 49 qua cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài và cho nghiên cứu, sớm đầu tư tuyến đường 71 thông qua hai cặp cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài; A Đớt - Tà Vàng. Những tuyến đường này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực phát triển cho các nước nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây

Hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Cách nay chưa lâu, tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc Quốc hội Lào do đồng chí Khamchanh Sotapaserth, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Quốc hội Lào dẫn đầu; Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, quá trình hợp tác Thừa Thiên Huế với các địa phương của Lào có nhiều bước phát triển mới. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế đã ký thỏa thuận hợp tác với 5 tỉnh khu vực Nam Lào. Trong đó, hằng năm, ký kết nhiều biên bản hợp tác đảm bảo ANTT giữa Công an Thừa Thiên Huế với Công an của một số tỉnh của Lào.

Mới đây, từ ngày 1 - 4/11, Đoàn công tác Công an Thừa Thiên Huế do Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng đoàn đến thăm, làm việc với Công an 2 tỉnh Chăm Pa Sắc và Sa Vẳn Na Khẹt. Tại đây, Công an 3 tỉnh thông báo những kết quả nổi bật về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn trong những tháng đầu năm 2023. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đối ngoại được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và 3 tỉnh giao phó; kết quả triển khai thực hiện biên bản hợp tác bảo đảm ANTT giữa Công an tỉnh Thừa Thiên Huế với Công an tỉnh Chăm Pa Sắc và Sa Vẳn Na Khẹt. Sau khi trao đổi, thống nhất các nội dung có liên quan, đại diện lãnh đạo Công an 3 tỉnh đã tiếp tục ký kết biên bản hợp tác bảo đảm ANTT…

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế và các địa phương của Lào thường xuyên tổ chức các đợt học tập trao đổi thông tin, kinh nghiệm lẫn nhau. Tại Huế đang có khoảng 500 lưu học sinh, sinh viên Lào đang học tập. Những năm qua, Huế có nhiều chương trình hỗ trợ cho các lưu học sinh Lào đang được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, tỉnh cũng chuẩn bị mở lớp trung cấp chính trị cho cán bộ cơ sở của các tỉnh bạn Lào.

Đối với lĩnh vực y tế, các bệnh viện ở Huế thường xuyên đón tiếp bệnh nhân từ Lào. Có năm, Huế đón hơn 5.000 người dân Lào sang khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, Huế nói riêng và miền Trung nói chung là thị trường yêu thích của du khách Lào. Nhu cầu chủ yếu của khách Lào là tham quan, khám phá văn hóa, các vùng đất mới và kết hợp du lịch biển. Khoảng cách tương đối gần, nên khách Lào đến Huế chủ yếu bằng đường bộ qua cửa khẩu Lao Bảo.

Theo các doanh nghiệp du lịch, cần khai thác đường bay thẳng từ Lào về Huế. Bởi ngoài khách du lịch từ 2 phía dần dần chuyển từ đi bằng đường bộ sang hàng không thì hiện có hàng chục ngàn lao động của Huế, Quảng Trị, Quảng Bình đang làm ăn, sinh sống ở nước bạn Lào. Đây sẽ là dòng khách ổn định để việc mở đường bay duy trì tốt.

Hải Lan
.
.
.