Hợp tác khoa học và công nghệ Việt - Lào, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội hai nước

Thứ Hai, 11/04/2022, 09:22

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trong bối cảnh khoa học và công nghệ đang dần trở thành yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, việc hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Lào được đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả và thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội hai nước.

Thời gian qua, nhiều nhiều hoạt động đào tạo và chuyển giao công nghệ thiết thực từ Việt Nam sang Lào được triển khai như: Kỹ thuật chế biến măng thương phẩm cho thị trường tại Lào; nghiên cứu chuyển giao công nghệ pin năng lượng mặt trời; chia sẻ kết quả thử nghiệm lâm sàng sản phẩm phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam…

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, thời gian qua, hai bên đã trao đổi, hợp tác nghiên cứu cũng như hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học của hai nước, tập trung đưa khoa học, công nghệ trở thành động lực, then chốt và trụ cột vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội…

vl-1649643995935.jpg
Hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Lào được đẩy mạnh.

Điển hình, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương Việt Nam – Lào, cũng như thúc đẩy hợp tác khoa học và công nghệ giữa 2 nước, tháng 8/2021, đã diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác bằng hình thức trực tuyến giữa Trường Đại học Cửu Long (Việt Nam) và Vụ Công nghệ và Đổi mới (Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào). Theo Biên bản ký kết, hai bên thực hiện chuyển giao công nghệ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; báo cáo chuyên đề; các hoạt động về khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và truyền thông…

Bà Douangsavanh, Chánh Văn phòng Viện Khoa học Quốc gia Lào, Trưởng Ban thư ký FOSTED ghi nhận quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Lào và nhấn mạnh: Hai bên tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động trong nhiệm vụ Nghị định thư, tập trung xây dựng dự thảo văn bản quản lý tài trợ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho FOSTED.

Cũng từ Khóa họp lần thứ 4 Ủy ban hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam – Lào, hai bên đã đạt được một số kết quả nổi bật về hợp tác khao học và công nghệ, đồng thời, coi trọng và đánh giá cao hoạt động hợp tác nghiên cứu chung giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Lào, giúp nâng cao năng lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ Lào, kết quả đạt được đã từng bước đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ để có thể chủ động trong công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. 

Thông qua sự phát triển, tăng trưởng Việt Nam thời gian qua góp phần vào việc củng cố hơn nữa quan hệ hữu nghị, truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Lào, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của hai bên trong việc triển khai các hoạt động hợp về khoa học và công nghệ. Ngoài ra, hai bên tiếp tục duy trì và tìm kiếm các cơ hội tăng cường hoạt động trao đổi đoàn các cấp để triển khai các Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các đơn vị chức năng hai Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Lào, tập trung vào: Quản lý trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ của 2 nước Việt Nam và Lào, hai bên đã khẳng định tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai Bộ về mọi mặt, song song với hoạt động chuyên môn, hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể cũng được quan tâm thông qua các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tăng cường sự hiểu biết và gắn bó giữa các tổ chức đoàn thể của hai nước.

Chương trình hợp tác giữa hai Đảng bộ Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ Lào tập trung vào xây dựng cơ chế đầu mối thường xuyên trao đổi thông tin cần thiết liên quan đến hợp tác về công tác đảng và đoàn thể để chia sẻ kinh nghiệm hoạt động, thành tựu của mỗi bên đạt được trong việc xây dựng hệ thống chính trị, bởi việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh là nền tảng vững chắc để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của mỗi bên.

H.L
.
.
.