Hội thảo khoa học về sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương

Thứ Tư, 11/12/2024, 14:06

Ngày 11/12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học xác định tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cán bộ sau sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương.

Đồng chí Trưởng ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính, đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương Lại Xuân Môn, đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và đồng chí Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo khoa học về sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương -0
Đồng chí Mai Văn Chính phát biểu khai mạc hội thảo. 

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, đồng chí Mai Văn Chính nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 56 ngày 25/11/2024 xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Nghị quyết 18) và cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết 18 và một số nội dung định hướng gợi ý của Bộ Chính trị để các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cũng là nguyện vọng, mong muốn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhưng đây cũng là một vấn đề lớn và vô cùng phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư, nguyện vọng của  nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

Để thực hiện công việc này, không chỉ cần sự đoàn kết, đồng thuận, mà đòi hỏi tinh thần gương mẫu, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên, hướng tới mục tiêu cao cả, đó là chuẩn bị để chúng ta vững bước vào kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đều đồng thuận và khẳng định, việc sáp nhập hay hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương không chỉ là yêu cầu khách quan trong quá trình đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng mà còn là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên. 

Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra các đề xuất đặt tên ban mới sau sáp nhập giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương. Tên gọi mới sau sáp nhập phải phản ánh sự kết hợp hài hòa giữa công tác dân vận, vừa kế thừa truyền thống vừa khái quát ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, bao hàm hết được các công tác tuyên giáo và công tác dân vận của Trung ương trong tình hình mới.

Đồng thời, các ý kiến, tham luận cũng đã đề xuất cơ sở khoa học và thực tiễn về xây dựng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và cán bộ sau sáp nhập hai ban; đề xuất xây dựng chức năng, nhiệm vụ hai ban mới sau sáp nhập với nguyên tắc là không bỏ sót các chức năng, nhiệm vụ nào, nhưng cũng tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm sự thống nhất, phù hợp với yêu cầu công tác tuyên giáo và dân vận trong tình hình mới; đồng thời rà soát, đánh giá kết quả hoạt động của các ban chỉ đạo, các hội đồng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập.

Bên cạnh đó, các bài tham luận, ý kiến cũng đề xuất phương án tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Sắp xếp lại không có nghĩa là ghép lại các đơn vị đã có một cách cơ học mà tổ chức lại một cách khoa học, khắc phục sự chồng chéo nhiệm vụ giữa các đơn vị của ban với các đơn vị khác trong các cơ quan Đảng sau khi sắp xếp, tạo một khoảng không gian tốt nhất để bố trí, phát huy năng lực đội ngũ cán bộ của ban mới.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ sau sáp nhập cần thực hiện thận trọng, bảo đảm phù hợp với năng lực sở trường của từng cán bộ, tránh lãng phí nguồn lực, đồng thời với thực hiện công khai minh bạch, tạo sự đồng thuận trong nội bộ, tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác và việc sắp xếp này thì thực hiện theo thẩm quyền, quy định.

Hội thảo khoa học về sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương -0
Các đại biểu, chuyên gia và nhà khoa học tham dự hội thảo. 

Phát biểu thảo luận tại hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã nêu ra một số phương án về tên gọi của 2 ban sau khi sáp nhập trên cơ sở vừa bao quát nhiệm vụ cót lõi, vừa dễ hiểu, phù hợp với nguyện vọng của cán bộ ngành và thuận lợi trong giao dịch quốc tế.

GS.TS Phùng Hữu Phú cũng nêu ra 3 vấn đề cần thống nhất khi xây dựng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới gồm: Không ghép cơ học chức năng, nhiệm vụ của hai ban mà kết hợp chặt chẽ với nhau, lấy công tác tư tưởng làm nền tảng; có cân nhắc tính đặc thù, công việc đặc thù của mỗi ban. Điều chỉnh, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới bao quát đầy đủ yêu cầu của bốn lĩnh vực cơ bản gồm công tác tư tưởng, văn hóa, khoa giáo, dân vận trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng Trung ương, đảm bảo không bỏ sót lĩnh vực, công việc quan trọng nào nhưng không để tình trạng chồng chéo nhiệm vụ, công việc như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, chất lượng hoạt động của tổ chức mới theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí Thư Tô Lâm “tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ “tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước trên lĩnh vực tuyên giáo, dân vận và những định hướng cụ thể của Tổng Bí thư tại các cuộc làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương (29/10/2024), Ban Dân vận Trung ương (18/11/2024).

Hội thảo khoa học về sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương -0
Đồng chí Lại Xuân Môn phát biểu kết luận hội thảo. 

Đồng tình với ý kiến của GS.TS Phùng Hữu Phú, GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc sáp nhập hay hợp nhất Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương tạo ra mô hình mới tinh, gọn và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó sẽ tập trung vào các vấn đề lớn, tránh dàn trải, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, chuyển sang nền kinh tế tri thức, phù hợp với hội nhập quốc tế.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn ghi nhận các bài tham luận và các ý kiến tại hội thảo đều thể hiện tâm huyết, tinh thần trách nhiệm và có chất lượng khoa học cao. Lãnh đạo hai ban sẽ tiếp thu đầy đủ, tối đa ý kiến để đề xuất với Trung ương, Bộ Chính trị về tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức bộ máy và cán bộ của ban mới tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm mọi quyết định được đưa ra đều dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18.

Đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh đây là công việc hệ trọng, cần phải được tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, khẩn trương nhưng phải bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học…, làm cơ sở đề xuất tên gọi, xây dựng chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ tinh gọn, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, thống nhất sau sáp nhập hai ban, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.  

Nguyễn Hương- Phùng Viết
.
.
.