Hội thảo khoa học cấp quốc gia về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Ba, 29/03/2022, 07:12

Sáng 28/3, tại Quảng Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tỉnh uỷ Quảng Ninh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Nguồn lực và động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 - Tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương".

Hội thảo có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, quản lý và có nhiều ý kiến tham luận tâm huyết của các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành… tập trung bàn thảo vấn đề mang tính thời sự, cấp thiết đối với sự phát triển của đất nước và mỗi địa phương, nhất là khi cả nước đang quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, theo chủ trương của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, các kết luận, nghị quyết của của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương gợi mở cách tiếp cận mới trong huy động, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, xác lập động lực mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xuất phát từ Xu hướng toàn cầu - Tầm nhìn quốc gia - Hành động địa phương.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội -0
Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành…

Khẳng định "tăng năng suất là phương thức quan trọng nhất để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển của mình", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: "Tăng năng suất cần được thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, tức là chúng ta không thể có một chính sách chung cho tất cả. Đây là quá trình các địa phương phải tiến hành trên tinh thần đổi mới sáng tạo, cần đổi mới sáng tạo trong cả cách nghĩ và cách làm, cả tư duy và hành động để thích ứng với sự thay đổi rất nhanh của thực tiễn, đi thẳng vào phát triển những lĩnh vực của nền kinh tế xanh, tuần hoàn và kinh tế số; hết sức chú trọng khai thác và phát huy nguồn lực con người, bởi đây vừa là nguồn lực nội sinh nhưng chính là động lực phát triển quan trọng nhất mà chúng ta cần phải tính đến".

Hội thảo là diễn đàn để các địa phương cùng chia sẻ, thảo luận những mô hình hay, cách làm sáng tạo, nhất là từ thực tiễn huy động, phân bổ và quản lý các nguồn lực tại chỗ của địa phương kết hợp với nguồn lực của cả nước và bên ngoài, kể cả những tồn tại, vướng mắc, từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị có giá trị.

Trong sáng nay, các tham luận, ý kiến thảo luận tập trung về nhận thức chung về bối cảnh quốc tế, lý luận chung về nguồn lực, động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, gợi mở những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; qua đó khơi thông, giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. 

Các đại biểu thống nhất quan điểm: Những biến cố, khủng hoảng là cơ hội để nhận ra những bất cập, điểm yếu và điều chỉnh một cách có hệ thống; phát huy đa dạng các nguồn lực với những cách thức riêng; coi trọng quản trị địa phương trên cả 3 trụ cột chính là thể chế - bộ máy - con người. Từ đó đi sâu phân tích việc khơi thông, giải phóng các nguồn lực cụ thể như nguồn lực tài chính công, đất đai, nhân lực; thể chế phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chính sách tài khoá; nguồn lực xã hội; đảm bảo an sinh xã hội; nguồn tài nguyên văn hoá; năng lực hấp thu công nghệ và tăng cường mối liên kết giữa các thành phần kinh tế; phát triển kinh tế biển xanh; phục hồi ngành du lịch; nâng cao hiệu quả quản trị địa phương; phát huy nguồn lực, sức mạnh của khu vực ngoài nhà nước…

Chiều 28/3, hội thảo tiếp tục các phiên thảo luận nhìn từ phương diện quản trị địa phương của Quảng Ninh và hành động của địa phương và doanh nghiệp trong huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thích ứng an toàn.

Trường Giang
.
.
.