Hoàn thiện Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Chủ Nhật, 27/08/2023, 08:13

Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo hiện đang được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Không làm tăng chi ngân sách

Một trong những nội dung được quan tâm tại Dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là quy định về kinh phí đảm bảo hoạt động, trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng này. Theo Bộ Công an, dự thảo Luật lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở quy định nội dung này theo hướng kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành đã được thực tiễn kiểm nghiệm, bảo đảm không làm tăng chi ngân sách Nhà nước và có tính khả thi.

Bộ Công an cho biết, thực tế hiện nay, các địa phương trong cả nước đều bảo đảm ngân sách để chi trả cho hoạt động, tổ chức, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá tổng thể về thực trạng chi hiện nay của các địa phương cho tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; khái toán tổng mức chi theo quy định của dự thảo Luật và so sánh với tổng mức chi hiện nay của các địa phương là bảo đảm cân đối với mức chi trung bình từ 20 tỷ đến 30 tỷ/năm/1 tỉnh, thành phố (từ 2 tỷ đến 2,5 tỷ/tháng).

Theo đó, khi kiện toàn các lực lượng, chức danh thành một lực lượng thống nhất thì vẫn thực hiện chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở như mức trung bình hiện nay các địa phương đang chi trả cho các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Về lâu dài khi không phải chi trả ngân sách cho nhiều lực lượng như hiện nay thì các địa phương sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất để đảm bảo tốt hơn nữa về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Về số liệu khoảng 300.000 người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo tờ trình Dự án Luật, theo Bộ Công an, đây là số liệu thống kê nguồn lực có sẵn hiện nay của lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Tuy nhiên, các địa phương căn cứ yêu cầu thực tiễn tại địa phương mình về nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở và số lượng người đang được sử dụng thực tế để quyết định việc bố trí lực lượng theo hướng tăng hoặc giảm số lượng phù hợp với điều kiện, khả năng và yêu cầu của từng địa phương.

Cũng theo dự thảo Luật, kinh phí đảm bảo hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở do ngân sách Nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Hàng năm, Bộ Công an, UBND các cấp có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Nhiệm vụ chi của Bộ Công an do ngân sách Trung ương bảo đảm, nhiệm vụ chi của địa phương do ngân sách địa phương chi trả theo quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

7-2.jpg -0
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hỗ trợ tích cực lực lượng Công an chính quy thực hiện nhiệm vụ.

Quy định theo hướng mở mức bồi dưỡng, hỗ trợ

Về bồi dưỡng, hỗ trợ đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, theo Bộ Công an, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc dưới sự quản lý và do chính quyền cơ sở đảm bảo kinh phí chi trả chế độ, chính sách. Do vậy, nếu quy định “cứng” trong Luật về khung, mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, xã hội và có thể là áp lực về ngân sách đối với các địa phương chưa tự chủ được ngân sách.

Đặc biệt, quá trình soạn thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã trao đổi, xin ý kiến và các địa phương đã thống nhất. Theo đó, trong dự thảo Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và đảm bảo tính khả thi của Dự án Luật.

Đặc biệt, theo Bộ Công an, nếu bỏ quy định hỗ trợ hằng tháng mà chỉ quy định hỗ trợ khi được huy động thực hiện nhiệm vụ đối với lực lượng này thì sẽ không thu hút được người dân tham gia và không đảm bảo tính khả thi của Dự án Luật.

Tập trung một đầu mối, huy động sức mạnh tổng hợp

Theo ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, việc xây dựng và ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là rất cần thiết. Bởi lẽ, hiện nay, các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đang hoạt động rải rác. Luật sẽ thống nhất các lực lượng này vào chung một đầu mối, tạo thêm sức mạnh cũng như tăng thêm chất lượng cho hoạt động của lực lượng này khi thực hiện nhiệm vụ trong khi số lượng không thay đổi. Đây không phải xây dựng một lực lượng mới mà là thống nhất các lực lượng hiện có thành lực lượng với tên gọi lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở. Như vậy sẽ không làm tăng biên chế, phình bộ máy.

Theo ông Lê Như Tiến, khi có sự việc liên quan đến ANTT ở cơ sở, thay vì phải huy động nhiều lực lượng khác nhau, khi Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành, chúng ta chỉ phải huy động một lực lượng với sức mạnh tổng hợp.

“Đặc biệt, thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến ANTT ở cơ sở. Nếu lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở đủ mạnh sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn ngay từ sớm các vụ việc”, ông Tiến chia sẻ.

Nguyễn Hương
.
.
.