Hoan nghênh việc Mỹ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam

Thứ Năm, 09/05/2024, 16:33

Tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra ngày 9/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc Bộ Thương mại Mỹ vừa tổ chức phiên điều trần nhằm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

"Chúng tôi hoan nghênh Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần ngày 8/5 vừa qua. Đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng bày tỏ.

Theo Người phát ngôn, tại phiên điều trần, phía Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường, đồng thời nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường.

Hoan nghênh việc Mỹ cân nhắc công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam -0
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Phạm Thu Hằng tại buổi họp báo ngày 9/5. 

Thực tế, cho đến nay, có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản,… Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước.

* Trả lời câu hỏi của phóng viên về khả năng Việt Nam gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) trong năm nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chia sẻ: "Là một thành viên có trách nhiệm và tích cực trong cộng đồng quốc tế, cũng như triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập tự chủ, Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu và trong khu vực".

"Cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của nhóm BRICS", bà Phạm Thu Hằng cho biết. 

Linh Chi
.
.
.