Hình ảnh lực lượng CSGT đẹp hơn trong ánh mắt người dân
Lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 750 nghìn trường hợp vi phạm TTATGT; phạt tiền gần 1.400 tỷ đồng; tước 139 nghìn giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn.
Chiều 6/4, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo TTATGT quý I và phương hướng quý II/2023. Dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành chức năng. Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đại diện Bộ Công an dự, phát biểu tại Hội nghị.
Xử lý 750 nghìn trường hợp vi phạm trật tự ATGT
Báo cáo về kết quả công tác đảm bảo TTATGT quý I/2023, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương tình hình TTATGT cơ bản được đảm bảo. Những tháng đầu năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 750 nghìn trường hợp vi phạm TTATGT; phạt tiền gần 1.400 tỷ đồng; tước 139 nghìn giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ gần 225 nghìn phương tiện các loại. Tình hình TNGT tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ: giảm 428 vụ (bằng 15,43%); giảm 258 người chết (bằng 15,23%); giảm 148 người bị thương (bằng 8,57%). Tình hình đảm bảo trật tự ATGT kỳ nghỉ Tết Nguyên đán cơ bản được đảm bảo; số vụ giảm 7,3%; số người chết giảm 3,3% so với cùng kỳ. Số vụ ùn, tắc giao thông trong các dịp cao điểm được kéo giảm so với cùng kỳ; tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý căn bản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đảm bảo TTATGT quý I/2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng; vi phạm về hành lang ATGT đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời; tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng...
Để thực hiện và hoàn thành mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương tối thiểu 5% so với năm 2022, Ủy ban ATGT quốc gia đề ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm; trong đó, tổ chức đoàn kiểm tra tình hình đảm bảo TTATGT tại các địa phương; Bộ GTVT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATGT, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm...; Bộ Công an chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, nghiên cứu xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông...
Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá nguyên nhân những tồn tại hạn chế, đưa ra các giải pháp giảm tình trạng tai nạn giao thông. Trong đó có việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật, đề án, chính sách về an toàn giao thông; đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông; mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT dịp lễ, tết; rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp; kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn giao thông…
TNGT đặc biệt nghiêm trọng chủ yếu do lỗi của người điều khiển phương tiện
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, qua phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến một số vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong thời gian gần đây thì có 4 vụ nguyên nhân do không chấp hành quy định về tốc độ (chiếm 36,36%); 2 vụ do sử dụng rượu, bia (chiếm 18,18%); do không chú ý quan sát (chiếm 18,18%); do phương tiện không đảm bảo ATKT (chiếm 18,18%). Ngoài ra, vụ tai nạn xảy ra tại Quảng Nam, ngày 14/2, lái xe khách còn vi phạm chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, không chú ý quan sát.
Từ phân tích này cho thấy nguyên nhân TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn tập trung do lỗi của người điều khiển phương tiện không chấp hành quy định của pháp luật về TTATGT (chiếm hơn 80%), như: không chấp hành quy định về tốc độ, không chú ý quan sát, chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn,... Đáng chú ý có nguyên nhân xuất phát từ việc xe mất phanh, không làm chủ tay lái và phương tiện vận tải đã hết hạn kiểm định nhưng vẫn chở khách tham gia giao thông.
“TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải có tỷ lệ xảy ra thấp hơn so với mô tô, xe máy, tuy nhiên khi xảy ra thường làm chết và bị thương nhiều người, do hai loại xe này có trọng lượng và kích thước lớn, chở nhiều người, có các điểm mù, khuất tầm nhìn ở phía sau và hai bên xe, nếu xảy ra đâm va với các phương tiện khác sẽ dẫn tới tỉ lệ thương vong cao; hai loại phương tiện này khi lưu thông trên các cung đường đèo, dốc cũng tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra TNGT” – Thiếu tướng Lê Xuân Đức nhấn mạnh và nêu các kiến nghị đảm bảo ATGT trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cũng đã nêu rõ công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng CAND trong thời gian vừa qua và cho biết, việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã bước đầu tạo được thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp đảm bảo TTAGT trong thời gian tới.
Xử lý vi phạm qua thiết bị giám sát qua phần mềm chưa đủ sức răn đe
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện Tờ trình Quốc hội dự thảo Luật Giao thông đường bộ và Luật TTATGT đường bộ, khi được Quốc hội phê chuẩn, hai Bộ luật này sẽ có tác động rất mạnh mẽ và tích cực đến công tác bảo đảm TTATGT.
Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an phát hiện xử lý các hành vi vi phạm của các phương tiện, người tham gia giao thông, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng CNTT, kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư, phương tiện, sử dụng có hiệu quả dữ liệu thiết bị GSHT để xử lý các phương tiện theo thời gian thực. Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương nâng cấp lại chương trình và phải đảm bảo thông qua dữ liệu thiết bị GSHT có thể cảnh báo các phương tiện và tự động gửi về các địa phương qua phần mềm. Việc xử lý vi phạm được giám sát theo dõi qua phần mềm được gửi về các địa phương theo từng tháng, quý không đủ sức răn đe và tính kịp thời.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng GTVT đề nghị phải quản lý chặt chẽ các DN kinh doanh vận tải, việc quản lý xử lý sai phạm phải phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Bộ Công an, thông qua phát hiện vi phạm, các địa phương phải trực tiếp xử lý.
Bộ GTVT đã chỉ đạo ưu tiên nguồn vốn ngân sách để tập trung xử lý các điểm đen, tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Bộ GTVT đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đối với các địa phương về quản lý hoạt động của các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, đề nghị các địa phương chủ động kiểm soát công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX của các trung tâm, nếu không sẽ để lại nhiều hệ luỵ, là nguy cơ dẫn đến TNGT.
Tìm hiểu cái hay ở địa phương khác để học tập, áp dụng
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ sự đồng tình với báo cáo và các ý kiến đóng góp; khẳng định quý I năm 2023 giảm rất sâu các vụ TNGT theo cả 3 tiêu chí, đặc biệt, tai nạn giao thông về nồng độ cồn giảm sâu là điều đáng mừng.
“Tôi cũng mừng khi hình ảnh lực lượng CSGT đẹp hơn trong ánh mắt người dân rất nhiều. Tình hình ùn tắc giao thông cũng giảm. Thông qua đây, tôi cũng biểu dương 42 tỉnh thành phố có số vụ tại nạn giao thông giảm. Tôi cho rằng các địa phương này đã cố gắng vượt lên chính mình để đạt được chỉ số này. Một trong những nguyên nhân gây TNGT là ý thức của người dân và một số bộ ngành chưa quan tâm đúng mực nhưng qua đây tôi mong chúng ta hãy coi nguyên nhân ý thức của người dân là trách nhiệm cao nhất. Ý thức của người dân chưa cao cũng là trách nhiệm của chúng ta” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Dự báo tình hình TNGT quý II khó hơn rất nhiều khi số phương tiện càng tăng thì nhiều vụ tai nạn càng xảy ra nhiều hơn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, phải quyết liệt hơn, không chỉ các đợt cao điểm chuyên đề mà cần quyết liệt hàng ngày, hàng giờ. Đặc biệt, các lực lượng chức năng không can thiệp vào công việc của lực lượng CSGT; phối hợp các cấp, các ngành chưa tốt nên cần lưu ý hơn. Từ cấp Trung ương tới địa phương, cần phân cấp mạnh cho địa phương sẽ làm cho các địa phương có trách nhiệm hơn; công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân. Các phương tiện truyền thông đưa tin cần hấp dẫn hơn để người dân hiểu và thực hiện luật ATGT. Nên tập trung tuyên truyền trong trường học.
“Tôi nghe trên đài nhiều cái hay ở các địa phương. Vì vậy, cần trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Có nhiều việc làm hay ở các địa phương mà chúng ta chưa biết. Tìm hiểu xem có cách nào hay đem về áp dụng cho địa phương mình. Có người làm trước rồi mình làm theo” – đồng chí Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị cần quan tâm hơn nữa đến công tác ATGT.
“Nếu chúng ta chứng kiến một cảnh tai nạn, nếu là người thân của mình bị tai nạn mới hiểu tác động nhân văn của ATGT và có ý thức trong việc chủ động phòng tránh” – Phó Thủ tướng nêu rõ.