Hiệp định RCEP bắt đầu có hiệu lực

Thứ Bảy, 01/01/2022, 17:28

Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) thực thi từ ngày 1/1/2022 được hy vọng sẽ là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế trong bối cảnh hậu COVID-19. Đây là Hiệp định đầu tiên mà ASEAN đóng vai trò trung tâm dẫn dắt những mối quan hệ hợp tác kinh tế trong khu vực.

Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1 năm 2022 sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Do vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương là thành viên RCEP, tổng GDP thực tế của những nước này chiếm gần 30% GDP thế giới. Mặc dù trong thập niên qua, quá trình tự do hóa thuế quan đã đạt được tiến bộ đáng kể đối với 15 thành viên RCEP, thông qua một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) rộng khắp, nhưng RCEP vẫn sẽ tiếp tục giảm bớt các hàng rào thuế quan. Phạm vi của RCEP bao gồm giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa, cũng như thiết lập các quy tắc chất lượng cao hơn cho thương mại dịch vụ, bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp lĩnh vực dịch vụ từ các nước RCEP khác. Hiệp định RCEP cũng sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Hiệp định RCEP bắt đầu có hiệu lực -0
Hiệp định RCEP sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên.

Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, khi RCEP chính thức có hiệu lực, điều này có thể làm tăng thu nhập toàn cầu lên 186 tỷ USD mỗi năm, đến năm 2030 và thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên.

Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, với vai trò là Chủ tịch của ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy và kết thúc đàm phán Hiệp định trong năm 2021. Đến năm 2022, Việt Nam tiếp tục phối hợp với nước chủ nhà Brunei cùng các nước thành viên đã hoàn thành quá trình phê chuẩn để có thể đưa hiệp định thực thi từ đầu năm 2022. Đây cũng là thời điểm mà đúng như dự tính của ASEAN - thời điểm kinh tế thế giới có khả năng phục hồi. Vì vậy, với việc hiệp định lớn như RCEP được đưa vào thực thi với quy mô dân số và thương mại, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đều hy vọng đây sẽ là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế trong bối cảnh hậu COVID-19.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành nghiên cứu mang tính toàn diện, xác định những lĩnh vực mà Việt Nam có thể hưởng lợi. Đơn cử như ngành thuỷ sản có tiềm năng phát triển trong thời gian tới, bởi khu vực này có thị trường tiêu thụ rất lớn. Các bộ, ngành đã bắt tay xây dựng những ý tưởng ban đầu về kế hoạch thực thi Hiệp định RCEP từ rất sớm.

Hiện, Bộ Công Thương đã tổng hợp và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, chờ khi hiệp định có hiệu lực có thể ban hành chương trình hành động. Trong hiệp định này đều có những Ủy ban chính thức, vì vậy, nếu có vấn đề vướng mắc như biện pháp kiểm dịch thực vật gặp khó khăn, thì trong cơ chế của hiệp định này, chúng ta có thể nêu vấn đề và đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng. Tuy nhiên, cần phải thông tin rất nhanh từ cộng đồng doanh nghiệp, cũng như từ những bộ, ngầnh phối hợp chặt chẽ với nhau và đặc biệt cần có những lập luận rõ ràng. Tất cả những nội dung đó đều đã có trong dự thảo kế hoạch để thực thi Hiệp định RCEP và chúng tôi hy vọng, các bộ, ngành đã đề ra những định hướng sẽ sớm triển khai để góp sức hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng thành công hiệp định này trong thời gian tới.

Khi RCEP chính thức có hiệu lực, điều này sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Cơ hội tăng tốc thu hút đầu tư từ các nước thành viên RCEP sẽ lớn hơn, nhất là khi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội để đón đầu dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển. Ngoài ra, việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử..., tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand...

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc. Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này. Đặc biệt, kinh tế thế giới cũng như nhiều nước trong khu vực đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19... Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.

Lưu Hiệp
.
.
.