Hạn chế việc sử dụng đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp

Thứ Bảy, 30/10/2021, 18:50

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 đã tạo ra nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đồng thời, nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Chiều 30/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). 

Cân nhắc việc tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp

Đại biểu Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) đề nghị cân nhắc việc tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp. Ông đề nghị giảm để bố trí cho đất văn hoá, đất thể thao, vì hiện tại các loại đất này còn rất hạn chế, nhu cầu xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao lớn, trong khi chỉ tiêu quy hoạch chỉ 20.000ha và 30.000ha.

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hoá) cũng đề nghị rà soát, đánh giá lại vì giai đoạn 2011-2020 chỉ tiêu này được đánh giá là đạt rất thấp (hơn 47,45%), tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 75%, tuy nhiên , giai đoạn 2021-2030 đặt chỉ tiêu rất cao (đến 2030 là 210,93 nghìn ha tăng 120,1 nghìn ha so với năm 2020).

ha_sy_huan.jpg -0
Đại biểu Hà Sỹ Huân.

Còn đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, chỉ tiêu đất khu công nghệ cao lại tăng rất ít và không tăng trong giai đoạn 2025-2030, điều này chưa phù hợp khi Nghị quyết Đại hội Đảng đặt mục tiêu hướng đến Việt Nam là nước công nghiệp hiện đại, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng nêu rất rõ về công nghệ cao trong giai đoạn 5 đến 10 năm tới. Chính phủ cần điều chỉnh diện tích lớn hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2030.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, đất khu công nghiệp thời gian tới sẽ được chuyển đổi từ đất lúa tương đối lớn (48,4 nghìn ha), khi đã chuyển đổi sang đất khu công nghiệp thì không thể khôi phục diện tích đất lúa đó, do đó, cần rà soát kỹ lưỡng, hạn chế việc sử dụng đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp.

Đề nghị giảm diện tích đất bãi thải phù hợp

Theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An), chỉ tiêu quy hoạch đất bãi thải, xử lý chất thải đến năm 2030 là 18.000 ha, tăng 10.000 ha so với năm 2020, còn có một số điểm bất hợp lý. Bởi theo báo cáo thẩm tra, việc thực hiện chỉ tiêu đất bãi thải, xử lý chất thải giai đoạn 2010-2020 đạt rất thấp, chỉ 37%; trên thực tế, việc quy hoạch sử dụng đất để làm khi xử lý chất thải rắn rất khó khăn, đặc biệt các tỉnh có diện tích nhỏ như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên. 

nguyễn tuấn anh - long an (3).jpg -0
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An)
Trong thực tiễn, một số khu vực diện tích đất bãi thải lớn đã gây nhiều hệ lụy cho môi trường (như các bãi thải tro xỉ nhiệt điện than, bãi thải mỏ khai thác than…). Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị không cấp phép mở rộng các bãi thải tro, xỉ” – đại biểu nhấn mạnh và bày tỏ băn khoăn, việc tăng chỉ tiêu này hiện không rõ là do tăng diện tích đất cho bãi thải hay diện tích đất cho xử lý chất thải. Trong khi đó, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải. Do vậy, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường cần phải bám sát định hướng này.

“Chính phủ cần rà soát chỉ tiêu này theo hướng giảm diện tích đất bãi thải, bố trí quy hoạch đất cho xử lý chất thải (chất thải rắn, nước thải), quy hoạch các điểm trung chuyển rác thải tại các đô thị, khu vực nông thôn một cách hợp lý. Đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải để làm rõ hơn nội dung này”- đại biểu kiến nghị.

 

Phương Thuỷ
.
.
.