Hà Nội ứng dụng mạnh mẽ VNeID để phát triển hiệu quả kinh tế - xã hội
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 triển khai Đề án 06, Thủ tướng Chính phủ đã dành nhiều lời khen đối với UBND TP Hà Nội trong ứng dụng hiệu quả VNeID và các mô hình chuyển đổi số của đề án để phát triển kinh tế - xã hội. Bắt đầu từ hôm nay 1/7, các bộ, ngành, địa phương chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hà Nội được xem là địa phương tiên phong trong ứng dụng tài khoản trên và đem lại nhiều kết quả quan trọng.
Tiên phong cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID
Thông tin với PV, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 6,5 triệu công dân Thủ đô đã có CCCD, được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hơn 5,2 triệu công dân có tài khoản định danh mức độ 2; 19/30 quận, huyện, thị xã, thành phố thực hiện cập nhật số hóa hồ sơ dữ liệu hộ tịch điện tử; các nhóm dữ liệu: Hội, đoàn thể; an sinh xã hội (Bảo trợ xã hội, người có công, trẻ em), người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, cơ sở dữ liệu đất đai... đang được thành phố triển khai và tiếp tục mở rộng để thực hiện xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chung toàn thành phố; cập nhật với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để từ đó khai thác, sử dụng hiệu quả.
Hiện, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của thành phố đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần giảm đáng kể thành phần hồ sơ do hệ thống kế thừa được dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết TTHC cho người dân trên địa bàn. Một trong những điểm sáng nổi bật có tính tiên phong của Hà Nội đó là cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và cùng với tình hình thực tiễn của thành phố trong công tác cấp phiếu Lý lịch Tư pháp, tháng 3/2024, TP Hà Nội đã chủ động báo cáo, đề xuất Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho phép Hà Nội cùng tham gia với tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc thực hiện thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Chỉ sau 1 tháng chuẩn bị, Hà Nội cùng Thừa Thiên Huế đã triển khai chính thức việc cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.
Thống kê, từ ngày 22/4 đến ngày 20/6, Hà Nội đã thực hiện tiếp nhận trên 86% hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID. Người dân thành phố đã có thể thực hiện yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp đơn giản, nhanh chóng; không còn tái diễn tình cảnh xếp hàng chờ đến lượt tại trụ sở Sở Tư pháp. Việc cấp phiếu lý lịch tư pháp này đã góp phần tiết kiệm hơn 10 tỷ đồng/năm và số lượng công dân đến Sở Tư pháp giảm từ 200 - 300 công dân/ngày xuống còn khoảng 30 - 40 công dân/ngày và càng giảm dần.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, Hà Nội cũng là một trong những địa phương ban hành nghị quyết về miễn giảm phí, lệ phí cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cũng như cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID. Theo tính toán của Hà Nội, TP bỏ ra số tiền 9,7 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân (đến hết ngày 31/12/2024) trong cấp phiếu lý lịch tư pháp nhưng bù lại đã tiết kiệm được khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm từ việc giảm thiểu được các yếu tố phục vụ tại trụ sở như: điện, nước, không gian, cơ sở vật chất: giấy, in, nhân lực, thời gian lao động...
Chăm sóc sức khỏe nhân dân trên môi trường điện tử
Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hà Nội thông tin, với việc triển khai hiệu quả những ứng dụng VNeID, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời chủ động thực hiệc việc cắt giảm thành phần hồ sơ là CCCD khi thực hiện thủ tục hành chính đã tạo tiền đề sẵn sàng cho việc triển khai quy định của Nghị định số 59/2022/NĐ-CP về tài khoản VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024.
Ứng dụng VNeID cũng được Hà Nội phối hợp với Bộ Y tế trên cơ sở sự hỗ trợ của Bộ Công an, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, nhằm thực hiện thí điểm xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử, triển khai thí điểm trên địa bàn Thành phố; đồng thời thực hiện việc hiển thị thông tin sức khỏe người dân trên ứng dụng VNeID từ 1/7/2024. Đến thời điểm hiện tại, TP Hà Nội đã hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu đề ra, đảm bảo đúng thời hạn.
Hiện, TP Hà Nội đã hoàn thành xây dựng, triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử (Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử) đáp ứng các yêu cầu tính năng, đảm bảo các điều kiện về an ninh, an toàn bảo mật (đã được kiểm tra, đánh giá) và sẵn sàng thực hiện bàn giao, báo cáo Bộ Y tế đánh giá, nghiệm thu trước khi thực hiện nhân rộng toàn quốc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hà Nội cũng cập nhật, chuẩn hóa thông tin của trên 3,5 triệu người dân Thủ đô đủ 48 trường thông tin theo quy định Bộ Y tế được làm sạch, sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID.
Việc hiển thị hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID còn giúp phục vụ công tác quản lý của thành phố về hoạch định chính sách, sàng lọc, định hướng phát triển y tế - y tế dự phòng. Những dữ liệu này trên VNeID còn giúp UBND TP, Sở Y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời. Từ dữ liệu Hồ sơ sức khỏe có thể tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin, phục vụ chỉ đạo kịp thời về phòng, chống dịch bệnh nói riêng, đánh giá tình hình mắc bệnh không lây nhiễm và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn. Các cơ sở y tế có kho dữ liệu về sức khỏe của người dân, bệnh nhân.
TP Hà Nội đã kết nối 394 /394 đơn vị y tế trên địa bàn và 579/579 trạm y tế toàn thành phố vào Hệ thống; thực hiện triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh - đảm bảo công tác chuyên môn và thực hiện liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh cho người dân - tiền đề cho việc liên thông dữ liệu, phục vụ công tác chuyên môn của đội ngũ y, bác sỹ, đồng thời người dân không phải thực hiện lại các xét nghiệm... kết quả khám, chữa bệnh được liên thông trên toàn hệ thống của các đơn vị khám, chữa bệnh.
Việc kết nối các Kiosk khám, chữa bệnh giúp bệnh viện, công dân thực hiện đăng ký khám, thanh toán viện phí, ngăn chặn việc trục lợi bảo hiểm xã hội và số hóa dữ liệu đầu vào trong công tác khám, chữa bệnh với 18 trường thông tin đọc được từ chip của CCCD/VNeID. Dự kiến, Hà Nội và người dân sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ hệ thống chăm sóc sức khỏe điện tử… Từ kinh nghiệm và kết quả của TP Hà Nội cũng như các tỉnh, thành, khi đồng loạt các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên VNeID sẽ đem lại kết quả vô cùng lớn…