Hà Nội tìm giải pháp đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Tư, 14/06/2023, 16:40

Ngày 14/6, tại Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVII, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã đề xuất phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 cũng như định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của Hà Nội.

Hoàn thành, khởi công nhiều công trình quan trọng của Thủ đô

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, mặc dù Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP trong bối cảnh nhiều khó khăn hơn dự báo, nhất là đại dịch COVID-19, các nhiệm vụ trọng tâm đã được khẩn trương triển khai thực hiện, đạt được kết quả tích cực. Tăng trưởng bình quân năm 2021-2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước.

Bình quân 2 năm 2021-2022, GRDP tăng 5,86% cao hơn 1,13 lần mức tăng của cả nước (5,25%). GRDP/người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng/người, tăng 18,1 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ, bình quân tăng 7,07%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021-2022 khoảng 656.102 tỷ đồng, đạt 119,9% dự toán Trung ương giao... Bên cạnh đó, TP tập trung xây dựng hoàn thiện nhiều nội dung lớn, mang tính chiến lược quan trọng, tập trung vào ba khâu đột phá chiến lược.

1.jpeg -0
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc hội nghị.

Các công trình về giao thông, giáo dục, y tế và tôn tạo di tích lịch sử được đẩy mạnh. Giai đoạn 2021-2022, Hà Nội đã hoàn thành 218 dự án. Năm 2023 dự kiến hoàn thành 164 dự án. Nhiều công trình lớn, quan trọng hoàn thành hoặc đã khởi công: Vận hành Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; Đường vành đai 2 trên cao. Trong năm 2023, dự kiến hoàn thành Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, vận hành tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; khởi công đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội…

Việc xây dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng. Đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô; Dự thảo tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô... Công tác an sinh xã hội được đảm bảo; phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống được nâng cao...

Ông Hải nhấn mạnh, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, nền kinh tế có những thách thức, khó khăn do ảnh hưởng của thị trường thế giới... Trong bối cảnh đó, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thiện thế chế, chính sách phát triển Thủ đô; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng số, trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, hệ thống các cầu vượt sông Hồng, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị; về nhân lực, coi nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài, hiền tài là nguồn lực cơ bản, mang tính hiệu quả và đột phá nhất.

Đồng thời, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nâng cao chỉ số PCI. Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đầu tư công trung hạn vẫn còn hạn chế

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, về tình hình thực hiện giữa nhiệm kỳ, cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, trên cơ sở kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ, Ban cán sự đảng UBND TP đề xuất cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn của Hà Nội để thực hiện phân bổ chi tiết vốn cho các dự án đã đủ điều kiện bố trí vốn trung hạn và điều chuyển nguồn vốn thực hiện của các dự án không có khả năng triển khai, giải ngân thấp sang các dự án có khả năng triển khai, hấp thụ vốn tốt hơn nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân trung hạn, hàng năm và đảm bảo phù hợp với tiến độ triển khai của các dự án, nâng cao hiệu quả đầu tư.

2.jpeg -0
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trình bày tại hội nghị.

Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận kỹ, cho ý kiến cụ thể về  các nội dung như: Việc điều chỉnh giảm tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn; đánh giá tính khả thi của các khoản thu từ đất, nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, các nguồn huy động khác… 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải thông tin, trong 2 năm qua, kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn còn một số hạn chế như: Tình hình triển khai, khả năng hấp thụ vốn của các dự án chậm nên tỷ lệ giải ngân không cao; Áp lực bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2023-2025 của cấp TP còn lớn; Nhiều dự án chuyển tiếp chưa được cân đối đủ vốn trung hạn, chưa có danh mục; tiến độ triển khai của các dự án trọng điểm, dự án ODA chưa đáp ứng kế hoạch… Về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công cấp TP năm 2023, TP giao Kế hoạch đầu tư công năm 2023 là 46.946 tỷ đồng. Đến ngày 31/5 giải ngân được 11.643 tỷ đồng, đạt 24,8%. Tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước và cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vẫn chưa đạt được yêu cầu của TP.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, Ban cán sự Đảng UBND TP đề xuất bố trí nguồn vốn thu hồi ứng trước, hoàn trả Quỹ đầu tư phát triển TP, vốn thực hiện giải ngân theo cơ chế thanh toán linh hoạt giải phóng mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, chuẩn bị dự án PPP, thanh quyết toán, chuẩn bị đầu tư, quy hoạch... 

Ngọc Yến
.
.
.