Hà Nội: Sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu

Thứ Ba, 05/12/2023, 12:00

Sáng nay, ngày 5/12, Kỳ họp thường kỳ cuối năm (Kỳ họp thứ 14) HĐND TP Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. Theo dự kiến, kỳ họp diễn ra từ ngày 5 đến 8/12. Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND thành phố sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu theo nghị quyết của Quốc hội.

Tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn trình bày Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của TP Hà Nội. 

Về thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố  Lê Hồng Sơn cho biết, để hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thành phố triển khai thực hiện chính sách giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022, đã ban hành 2.615 quyết định giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 với tổng số tiền được giảm là 756,61 tỷ đồng.

Kinh tế - xã hội năm 2023 cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát, 18/23 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch: Giảm số hộ nghèo so với năm trước (đạt 34,4% - kế hoạch là 30%); tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý (đạt 30,9% - kế hoạch là 28,8%); số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm. Thu ngân sách đạt cao vượt 13,5% dự toán. Tổng thu ước 400.421 tỷ đồng, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi đảm bảo an sinh xã hội.

hnm.1cdn.vn-2023-12-05-_hn12.jpg -0
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trình bày báo cáo tại kỳ họp.

Trong bối cảnh khó khăn, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt cao hơn mức chung cả nước; GRDP 9 tháng đầu năm tăng khá, đạt cao hơn 1,43 lần cả nước. GRDP 9 tháng đầu năm tăng 6,08% (cả nước tăng 4,24%) - là mức tăng khá  trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn; xu hướng có cải thiện, quý sau cao hơn quý trước. GRDP của Hà Nội năm 2023 ước tăng 6,27%.

TP Hà Nội tích cực thực hiện Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế. An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo; tạo việc làm cho người lao động, công tác giảm nghèo và thực hiện bảo trợ xã hội được chú trọng. Chỉ tiêu giảm nghèo vượt kế hoạch. Phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới được tiếp tục đẩy mạnh.

Quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được tiếp tục quan tâm; Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được khởi công và tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ. Mạng lưới giao thông được tổ chức lại góp phần nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng. Các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ được tích cực rà soát, xử lý dứt điểm. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra, kinh tế duy trì tăng khá trong bối cảnh khó khăn, dự kiến cả năm tăng 6,11% - không đạt kế hoạch là 7,0%; vốn đầu tư xã hội - đầu vào quan trọng của tăng trưởng, tăng 9,0%, thấp hơn kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu tăng 1,0% - không đạt kế hoạch là 6,0%. Nguyên nhân khách quan của tình hình chủ yếu do ảnh hưởng lâu dài của đại dịch COVID-19, do suy giảm cầu tiêu dùng trong và ngoài nước; doanh nghiệp khó khăn, sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp...

Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại một số quận, huyện, nguồn nước không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu thiếu quyết liệt, xử lý tình huống còn lúng túng; năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan có lúc thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả...

Chuyển đổi số còn chậm; hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, về phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số đạt thấp so với mục tiêu đề ra, nhất là số hóa dữ liệu lĩnh vực quản lý đất đai. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do thiếu cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin; hạ tầng kỹ thuật và các chương trình phần mềm còn chưa đồng bộ...

Tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố  còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, diễn biến phức tạp; Xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt thiệt hại về người tăng cao so với năm 2022. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về phòng, chống cháy nổ còn hạn chế; ý thức của một bộ phận người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn chưa tuân thủ các quy định của Nhà nước về phòng, chống cháy nổ.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của kỳ họp lần này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý, cần tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị đầu tư, lập dự án đầu tư, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, nâng cao tỷ lệ giải ngân đầu tư công. Kiên quyết cắt giảm vốn đầu tư cho các dự án không giải ngân được để chuyển bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước, các dự án cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

"Đây là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục do liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều lĩnh vực từ quy hoạch, kế hoạch, tài nguyên, môi trường, tài chính, quản lý đô thị, quản lý y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng", đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Do vậy, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tiếp tục thực hiện tăng cường phân cấp, phân quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao...

hn06.jpeg -0
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp.

Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND thành phố  sẽ thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND thành phố bầu theo nghị quyết của Quốc hội. Về việc này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, đây là hoạt động giám sát rất quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; góp phần đánh giá uy tín, kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thông qua đó, người được lấy phiếu tín nhiệm “tự soi”, “tự sửa”, thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trong thời gian tới.

T.Linh
.
.
.