Hà Nội: Sẽ giám sát công vụ liên quan đến tiến độ Dự án đường Vành đai 4
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ban Tổ chức Thành ủy đánh giá trách nhiệm cán bộ trong thực thi nhiệm vụ đối với Dự án đường Vành đai 4 theo tinh thần Chỉ thị số 24-CT/TU, không để tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh mà làm chậm tiến độ dự án.
Ngày 13/6, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 -Vùng Thủ đô Hà Nội đã kiểm tra tình hình thi công dự án và làm việc với các bên liên quan.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đã trực tiếp kiểm tra công trường thi công cầu vượt đường sắt tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh. Đây là địa điểm thi công thuộc gói thầu số 8 xây dựng đoạn tuyến từ Km0+000 đến Km13+017,92 (đường song hành) do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Công ty cổ phần Thịnh Vượng TVT và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thái Yên thực hiện.
Dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị) với tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2km. Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội, đến nay, tiến độ triển khai cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, đối với phạm vi cần xử lý nền đất yếu, đơn vị thi công chưa được bàn giao mặt bằng (đất nông nghiệp, đất ở, đất nhà xưởng, mộ chí, hạ tầng ngầm nổi hiện trạng... trên địa bàn quận Hà Đông, huyện Thanh Oai) nên rất khó khăn trong việc đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác đắp gia tải của các đoạn xử lý đất yếu trước mùa mưa năm 2024.
Cụ thể, đối với phạm vi thuộc địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Mê Linh đã được bàn giao mặt bằng, không vướng công trình hạ tầng kỹ thuật và không phải xử lý nền đất yếu, Ban QLDA đã chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung máy móc, thiết bị, vật liệu, nhân công để triển khai đồng loạt các mũi thi công ngay từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và phấn đấu đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo. Còn đối với phạm vi xử lý nền đất yếu, xác định việc hoàn thành xử lý nền đất yếu là đường găng, mốc tiến độ quan trọng của dự án, Ban QLDA đã chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung thi công hạng mục đắp cát trong tháng 6/2024 và cố gắng hoàn thành công tác gia tải trong tháng 7/2024.
Về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay, đối với đất nông nghiệp cơ bản đáp ứng tiến độ (trừ phạm vi phải xử lý nền đất yếu chưa GPMB); tuy nhiên, công tác GPMB với đất ở, tái định cư và di chuyển công trình ngầm nổi chưa đáp ứng theo tiến độ chỉ đạo. Trong đó, trên toàn tuyến, hiện các quận, huyện đã GPMB được 774,26/791,21ha (đạt 97,86%); đã di chuyển được 10.104/10.346 ngôi mộ, còn lại 242 ngôi mộ. TP đã hoàn thành 13/13 khu tái định cư và một số địa phương đã phê duyệt giá đất đầu đi - đầu đến, thực hiện tái định cư cho các hộ dân.
Đến thời điểm này, các địa phương cũng chưa hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu di chuyển các công trình ngầm/nổi dẫn đến không thể áp dụng được cơ chế đặc thù về chỉ định thầu của Dự án theo nội dung tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Về công tác di chuyển điện cao thế, đến nay, Ban QLDA chưa triển khai việc di chuyển các tuyến cáp điện, đấu nối đóng điện đáp ứng tiến độ.
Đối với công tác di chuyển hạ tầng kỹ thuật, công trình ngầm/nổi, hiện nay, huyện Sóc Sơn đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu di chuyển; các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín đang lựa chọn nhà thầu; các địa phương còn lại vẫn chưa tiến hành. Ban QLDA đã khởi công thi công di chuyển tuyến cáp điện cao thế từ tháng 1/2024, đã nhận mặt bằng và hoàn thành 14/36 vị trí móng cột cần thu hồi đất bổ sung.
Về Dự án thành phần 3 (PPP), hiện nay các cơ quan TP đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thành các thủ tục để có thể đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong tháng 6/2024.
Tại buổi làm việc, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho rằng, qua theo dõi, giám sát, việc thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội trong triển khai dự án này chưa nghiêm, liên quan chủ yếu đến trách nhiệm của các sở, như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường trong giải quyết những vấn đề rất đơn giản, như thẩm định giá đất đầu vào, đầu ra...
Ông Bảo cho rằng đây là trách nhiệm chỉ đạo của người đứng đầu và trách nhiệm tham mưu trực tiếp của các phòng, ban chuyên môn ở các đơn vị này.
Kết luận buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đánh giá, kết quả triển khai dự án Vành đai 4 đoạn qua Hà Nội đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều phải tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý các đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát tinh thần bảo đảm nơi ở mới phải bằng và hơn nơi ở cũ cho người dân. Công tác GPMB hiện nay có vướng mắc chính là cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính, do đó, để tháo gỡ, phải tập trung vào 2 vấn đề này, tạo bước đột phá từ giải quyết 2 vướng mắc này.
Bí thư Thành ủy yêu cầu Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu và tổ chức đợt giám sát thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, trong đó có những công việc liên quan đến tiến độ Dự án đường Vành đai 4. "Tinh thần là làm "đến nơi đến chốn", kết luận rõ ràng, nơi nào chưa làm tốt thì nhắc nhở, có vi phạm thì phải xử lý", Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh các phần việc, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng các công trình ngầm, nổi, nhất là đường dây 500kV, phấn đấu xong trong quý III năm nay.
Đối với đường song hành, lãnh đạo Thành uỷ Hà Nội yêu cầu phải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công; bảo đảm tháng 12/2024 hoàn thành đoạn Sóc Sơn-Mê Linh, phấn đấu quý III/2025 xong các đoạn còn lại.
Đối với dự án thành phần 3 (đường cao tốc), Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan thành phố đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để tách dự án thành phần 3 cây cầu (2 cầu qua sông Hồng, 1 cầu qua sông Đuống) ra, để khi đường song hành hoàn thành có thể kết nối lưu thông và sử dụng được ngay.