Hà Nội kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án chậm triển khai

Thứ Ba, 04/07/2023, 13:28

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, ngay sau kỳ họp HĐND TP, Chủ tịch UBND TP sẽ tiếp tục làm việc với các quận, huyện có nhiều dự án chậm, như Hoàng Mai, Long Biên, Hoài Đức....

Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Sáng 4/7, tại Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ những ý kiến của đại biểu HĐND TP.

Làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đang triển khai quyết liệt các giải pháp để tạo cơ chế và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn.

Đồng thời, Hà Nội triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ theo Chương trình của Chính phủ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Ưu đãi về thuế, phí, tín dụng... (hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi các gói tín dụng ưu đãi cho vay theo Chương trình của Chính phủ, Gói tín dụng nhà ở xã hội (120 nghìn tỷ đồng); các chương trình cho vay kết nối ngân hàng – doanh nghiệp;…); hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp theo quy định của TP; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của các quỹ trên địa bàn…

hd2.jpeg -0
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại kỳ họp.

Với Nhóm các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cùng với định hướng Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nội dung vai trò, vị thế của Thủ đô đã được làm rõ trong mối liên hệ vùng trong định hướng Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành, lĩnh vực và tiếp tục được luận chứng cụ thể hóa chi tiết trong các đồ án quy hoạch đang được triển khai, theo đó thực sự xây dựng và phát triển Thủ đô trở thành trung tâm hội tụ, lan tỏa của khu vực, là một trong 2 cực tăng trưởng của đất nước và là vùng động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng.

Quyết  liệt thu hồi các dự án chậm triển khai

Những vấn đề liên quan đến thu ngân sách và khơi thông nguồn lực của nền kinh tế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, nguồn thu từ đất đai là tồn tại hạn chế năm 2023. TP sẽ nỗ lực triển khai thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất; nguồn thu từ quỹ đất quy hoạch 2 bên tuyến đường Vành đai 4; nguồn thu từ phát triển mô hình đô thị TOD và nguồn thu từ quản lý, khai thác tài sản công.

Các khoản thu từ nhà, đất 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đạt thấp so với dự toán và suy giảm mạnh so với cùng kỳ do một số nguyên nhân chủ yếu về kinh tế - xã hội. Ngay từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản bắt đầu ghi nhận những dấu hiệu trầm lắng, hàng loạt các chính sách thắt chặt về tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp vướng vào lao lý đã khiến tâm lý chung trên thị trường e ngại, mọi giao dịch bị trì hoãn, các dự án đang triển khai phải tạm dừng…

Chính sách pháp luật không quy định về cơ sở điều chỉnh giá khởi điểm trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, giá khởi điểm để đấu giá cao so với thị trường. Việc tạo lập quỹ đất còn khó khăn do công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất chưa nhận được sự đồng thuận; việc xác định vị trí, diện tích đất thu hồi trong vùng phụ cận 2 bên tuyến đường để đấu giá quyền sử dụng đất còn khó khăn… Nhiều đơn vị tư vấn từ chối tham gia công tác xác định giá khởi điểm hoặc tiến hành chậm do tâm lý e ngại trách nhiệm trong công tác xác định giá khởi điểm.

du-an.jpeg -0
Hà Nội còn hơn 712 dự án chậm triển khai với tổng diện tích đất hơn 5.000ha.

“Do đó UBND TP trong 6 tháng cuối năm tiếp tục tập trung chỉ đạo: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đề xuất và triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý thu tiền sử dụng đất nói chung và đặc biệt là trong công tác đấu giá đất làm cơ sở tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu giá theo kế hoạch trong 6 tháng cuối năm và các năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết.

Ngoài ra, TP sẽ tập trung quyết liệt kiểm tra, thu hồi các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai (hơn 712 dự án, tổng diện tích đất được cấp cho các dự án trên là hơn 5.000ha) để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tập trung thu hút các nguồn lực để phát triển (qua rà soát, đã giảm được 419 dự án (tương đương 58,8%) của tổng số 712 dự án chậm triển khai).

Ông Hải thông tin thêm, số dự án còn lại cần tiếp tục xử lý vẫn còn khá lớn: 50/135 dự án chưa được giao đất; 150/404 dự án đã được giao đất tiếp tục cần các cơ quan hậu kiểm, giám sát việc xử lý; 93/173 dự án do các quận, huyện, thị xã phát hiện đề xuất. Chủ tịch UBND TP trực tiếp chủ trì làm việc với các sở, ngành để xem xét, chỉ đạo xử lý, giải quyết cụ thể đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã. Thời gian qua, đã làm việc với các quận, huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy. Ngay sau kỳ họp HĐND TP, Chủ tịch UBND TP sẽ tiếp tục làm việc với các quận, huyện có nhiều dự án chậm, như Hoàng Mai, Long Biên, Hoài Đức....

Bổ sung 372 dự án thu hồi đất với diện tích 2.061,37ha

Sáng 4/7, tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP Hà Nội khoá XVI đã nhất trí thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2023; điều chỉnh giảm danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2023 trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, điều chỉnh giảm các dự án đã được xác định tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND TP: 5 dự án thu hồi đất năm 2023 với diện tích 4,22ha và 5 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2023 với diện tích 10,81ha. Cùng đó, điều chỉnh, bổ sung nội dung các dự án đã được xác định tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 8/12/2022 của HĐND TP: Điều chỉnh tăng diện tích đất thu hồi tại 22 dự án với diện tích 55,47ha; điều chỉnh giảm diện tích đất thu hồi tại 1 dự án với diện tích 0,02ha; điều chỉnh tên dự án, loại đất, quy mô dự án, địa danh cấp xã thực hiện dự án (không thay đổi diện tích đất thu hồi) tại 16 dự án. Bổ sung danh mục 372 dự án thu hồi đất năm 2023 với diện tích 2.061,37ha.

Ngọc Yến
.
.
.