Hà Nội cần được phân quyền, trao quyền nhiều hơn

Thứ Bảy, 11/11/2023, 20:54

Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, muốn giảm các bức xúc như ùn tắc, úng ngập thì một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải giảm dân số nội đô, di dời dân cư. Để làm được điều đó, Hà Nội cần phải được phân quyền, trao quyền nhiều hơn.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sẽ tiếp tục được bổ sung các nội dung xung quanh 9 nhóm chính sách lớn, đặc biệt được hoàn thiện theo hướng cụ thể hóa, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm và cơ chế giám sát.

“Yêu cầu mới phát triển Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ cao hơn trước, bởi Hà Nội không chỉ là Thủ đô của cả nước mà còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của quốc gia. Đặc biệt là phát triển Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.

Với tầm quan trọng đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay rất quan trọng. Nhiều nội dung trong Luật Thủ đô năm 2012 còn bất cập, khó triển khai thực hiện trong thực tiễn; một số nội dung nếu thực hiện thì không đúng quy định vì chưa có cơ chế. Trong đó, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ yêu cầu phải đưa ra những cơ chế vượt trội, phân cấp ủy quyền mạnh cho Thủ đô Hà Nội.

bttu2.jpeg -0
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại buổi thảo luận tổ về nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). 

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, dự thảo luật mới đưa ra một số cơ chế chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền cho Thủ đô, tạo tính khác biệt. Hiện nay, có nhiều vấn đề Hà Nội chưa yên tâm vì đang được trao quyền nửa vời. Ví dụ, khi luật PPP trình ra Quốc hội cũng phải chuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công, nên luật thì có nhưng thực hiện rất khó khăn.

Với Hà Nội, khâu quy hoạch rất quan trọng, nông thôn của Thủ đô cũng không giống những nơi khác với rất nhiều nội dung phải bảo tồn. Công nghiệp Hà Nội 3 năm qua không tăng, xây dựng cũng thế, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn cao hơn là nhờ dịch vụ.

"Tỷ lệ đô thị mới hơn 30%, phấn đấu nâng tỷ lệ đất đô thị lên 40%. Quy hoạch phát triển đô thị nhưng vẫn phải phát triển nông thôn. Phải giữ được bản sắc, giữ được làng nghề, chống nhà ống trong các làng xóm”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu.

Trong đó, cần phải bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Hà Nội, với hơn 1.300 làng nghề và làng có nghề cần được lưu giữ và phát triển. Cùng với đó, cần chú trọng phát triển du lịch với mục tiêu Hà Nội là điểm đến của du khách, qua đó góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo sinh kế cho người dân ở các địa phương và qua đó tăng ngân sách cho TP.

Bày tỏ sự đồng tình với quy định về phân cấp một số thẩm quyền đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho HĐND, UBND TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy nêu, HĐND TP Hà Nội có thể quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng. TP cũng cần được ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Theo người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội, nhu cầu vay cho đường sắt đô thị rất lớn, hơn 100.000 tỉ đồng chỉ đầu tư được 2 tuyến. “Đường sắt đô thị nếu nằm trong vùng thủ đô cần giao quyền cho Hà Nội, không quan trọng là 20.000 - 30.000 tỉ đồng”, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho hay.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, muốn Thủ đô văn hiến,văn minh hiện đại, phải có thẩm quyền, giao quyền cho Hà Nội. Qua thực tế cho thấy còn "muôn vàn chông gai", như Vành đai 4 Quốc hội giao cho Hà Nội triển khai, trong đó đoạn trên cao khoảng 56.000 tỉ đồng. Nhưng dự án giải phóng mặt bằng và đường song hành có 5.400 tỉ đồng vẫn phải báo cáo tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường, báo cáo Bộ Xây dựng mất nhiều tháng.

Chi Linh
.
.
.