Hà Nội: 15 dự án khu đô thị mới thiếu trường học, nhà trẻ

Thứ Ba, 20/09/2022, 17:48

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP, tại 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng có quy hoạch đất xây dựng công trình công cộng (nhà trẻ, trường học phổ thông) nhưng có tới 15 dự án đầu tư xây dựng chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

UBND TP Hà Nội vừa có quyết định 3383/QĐ-UBND ngày 19/9/2022 ban hành Chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các công trình công cộng tại các khu đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025".

Theo UBND TP Hà Nội , trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở đã làm thay đổi diện mạo đô thị trên địa bàn thành phố theo hướng hiện đại, văn minh.

Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển và khai thác, sử dụng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội như: Trường học, bệnh viện, các khu thể dục thể thao, vui chơi, giải trí... trong các khu đô thị, khu nhà ở vẫn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức dẫn đến hạ tầng xã hội tại nhiều dự án bị quá tải, không đáp ứng được nhu cầu về đời sống của người dân.

Qua rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội, tại 78 dự án khu đô thị mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng có quy hoạch đất xây dựng công trình công cộng (nhà trẻ, trường học phổ thông): Có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình công cộng với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; 27 dự án có tiến độ xây dựng các công trình công cộng theo quy hoạch.

Đáng chú ý, còn 15 dự án đầu tư xây dựng chưa bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

truong-hoc-1241.jpeg -0
Tại nhiều dự án khu đô thị mới, chung cư mọc lên như "nấm" dẫn đến thiếu trường học. 

Việc ban hành Chuyên đề nhằm bảo đảm việc đầu tư xây dựng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị phù hợp với quy hoạch, bảo đảm đồng bộ với tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nhà ở, đáp ứng nhu cầu thiết yếu về đời sống của người dân trong các khu đô thị.

Chuyên đề đã đề ra các giải pháp: UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, đánh giá thực trạng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn; trên cơ sở thực trạng, nhu cầu và quỹ đất hiện có, đề xuất địa điểm, nguồn vốn, cơ chế chính sách.

Trên cơ sở đó, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định nhằm đẩy mạnh việc xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội trên địa bàn, sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng và các công trình công cộng khác trên địa bàn.

UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì rà soát lại việc bố trí các quỹ đất xây dựng các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội trong các đồ án quy hoạch chi tiết của các dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được phê duyệt, đối chiếu với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đã được duyệt, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước và quy định pháp luật liên quan.

Từ đó nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung các quỹ đất này (trong trường hợp còn thiếu), báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tham mưu cho UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khu đô thị, khu nhà ở phải xác định cụ thể danh mục các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình công cộng thuộc trách nhiệm đầu tư của chủ đầu tư hoặc ngân sách.

Xác định cụ thể tiến độ chi tiết đầu tư xây dựng, thời gian hoàn thành bảo đảm đồng bộ với các công trình nhà ở trong dự án, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện...

CL
.
.
.