Góp ý nội dung về đất quốc phòng, an ninh trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Chiều 23/8, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp mở rộng Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) về các nội dung liên quan đến đất QPAN trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có các đồng chí Thường trực UBQPAN, đại diện các Uỷ ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương...
Ủy viên chuyên trách UBQPAN Trịnh Xuân An cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đã có những bổ sung, điều chỉnh liên quan đến đất QPAN. Nhóm các quy định về quản lý, sử dụng đất QPAN trong dự thảo luật được tập trung vào các vấn đề lớn như: quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh, thu hồi đất vì mục đích QPAN, chế độ đối với đất QPAN...
Trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy, chế độ sử dụng của một số loại đất như đất QPAN, đất QPAN kết hợp hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế chưa phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật đất đai và các pháp luật khác. Chẳng hạn như Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Nghị quyết số 132 của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất QPAN kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công... Vì vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân đã kế thừa quy định của Luật Đất đai hiện hành và bổ sung một số quy định đổi mới trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chế độ sử dụng đất.
Tổng hợp ý kiến của nhân dân cũng chỉ ra rằng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 132 ngày 17/11/2020 để giải quyết các vướng mắc tồn đọng liên quan đến việc xử lý đất QPAN đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn. Tuy nhiên, thời gian thực hiện Nghị quyết bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 (2 năm) nên còn nhiều nội dung chưa kịp triển khai, cần tiếp tục đưa vào dự thảo luật để có thêm thời gian tiếp tục xử lý những tồn đọng.
Do đó, Thường trực UBQAPN đề nghị sớm tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết số 132 để có đủ cơ sở thực tiễn bổ sung cho quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thường trực UBQPAN cũng đề nghị, cân nhắc và đánh giá kỹ việc bổ sung mới Khoản 7 vào Điều 200 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về "Xử lý đất QPAN đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn". Việc quy định trong luật nội dung có tính chất "xử lý tình huống" và đang được thí điểm là không phù hợp và khó bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, khả thi...
Tại phiên họp, Thường trực UBQPAN và các đại biểu cũng đã góp ý một số nội dung về: đất sử dụng đa mục đích; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng...
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Luật Đất đai là luật gốc để điều chỉnh nhiều quan hệ pháp lý, chính trị xã hội. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu tất cả các Ủy ban theo chức năng, nhiệm vụ đều phải tham gia thẩm tra để gửi Ủy ban Kinh tế - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhấn mạnh đây là luật khó, có tầm quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Thường trực UBQPAN đã phối hợp Ban soạn thảo tổ chức góp ý, thẩm tra kỹ lưỡng, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và tổng hợp ý kiến của người dân liên quan đến các nội dung của dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Thường trực UBQPAN tổng hợp, nghiên cứu ý kiến các đại biểu, đặc biệt là nội dung về quỹ đất, quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất QPAN. Liên quan Nghị quyết số 132, cần đánh giá thật kỹ để trên cơ sở tổng kết và kiến nghị của Chính phủ sẽ xem xét luật hóa một số nội dung của Nghị quyết vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trên tinh thần bảo đảm yêu cầu phù hợp thực tế, thống nhất với các quy định của hệ thống pháp luật; đồng thời, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân...