Giáo sư Vũ Khiêu đã đi vào cõi vĩnh hằng

Thứ Sáu, 01/10/2021, 13:47

Thật bàng hoàng, trưa 30/9, tôi nhận được tin nhắn: GS, AHLĐ Vũ Khiêu vừa qua đời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô lúc 12h37. Tôi không tin vào mắt mình, bởi tôi biết, cách đây hơn chục hôm, trong ngày sinh nhật lần thứ 106, ông vẫn tại gia và sức khỏe  không có gì nguy kịch. Tôi liền bấm máy gọi lại và xác định thông tin đó là đúng.

 

Tôi ngồi nghĩ vẩn vơ và vô cùng áy náy bởi mấy tháng nay do dịch COVID-19 phải giãn cách nên tôi không đến, đúng ra là không dám đến thăm ông.

Tôi lục tìm trong ký ức của mình những kỷ niệm về ông, muốn viết một bài gì đó nhưng loay hoay mãi không biết bắt đầu từ đâu. Tôi đành chắp nhặt trong trí nhớ của mình mấy dòng, như một lời cẩn báo tới anh em, bè bạn và những ai quen biết yêu quý ông, cũng như độc giả của Báo CAND.

Mấy năm gần đây, sức khỏe của Giáo sư Vũ Khiêu không được tốt. Thỉnh thoảng, ông phải vào nằm viện, có đợt tới cả tháng. Nhưng mọi việc sau đó với ông đều ổn.

Khoảng hai năm trở lại đây, ông không thể đi lại. Mọi hoạt động đều nhờ trợ giúp của thiết bị y tế và người thân. Do phải đặt mở khí quản nên ông không thể nói. Việc giao tiếp phải viết qua giấy. Thỉnh thoảng tôi đến thăm, ông cười vui và ra hiệu đưa tập giấy để ông viết trao đổi. Phải nằm ngửa để viết nhưng chữ ông khá rõ ràng. Ông hỏi thăm sức khỏe gia đình, con cái và luôn nhắc mọi người giữ sức khỏe, công tác cho tốt.

Giáo sư Vũ Khiêu đã đi vào cõi vĩnh hằng -0
GS Vũ Khiêu cùng các đại biểu dự Lễ khai giảng năm học 2016-2017, TrườngTHPT Cao Phong, Xuân Trường, Nam Định, ngôi trường vinh dự mang bút hiệu của Giáo sư.

Trong tập giấy lưu lại những cuộc “nói chuyện” của ông, tôi thấy có những trang ông giao lưu bằng tiếng Pháp khá dài. Những lúc như vậy, dường như ông không muốn dừng cuộc trò chuyện. Chỉ người đến thăm phải chủ động dừng chuyện khi có khách khác hoặc để ông nghỉ ngơi. Nhưng dần, tôi cảm nhận được sức khỏe của ông đang giảm qua những nét chữ ông viết khi giao lưu. Chữ khó đọc, phải luận mãi mới ra. Và đến dịp Tết Tân Sửu vừa qua thì ông không thể viết nữa. Dù vậy, với những người quen thân mỗi khi đến, ông đều nhận ra và trong ánh mắt nhân từ đó cứ chớp chớp như đang muốn tâm sự.

Mấy anh em chúng tôi vừa bảo nhau, Hà Nội đỡ giãn cách, tuần này đến thăm ông thì ông đã mãi mãi đi xa. Vậy là ông đã về với bà, người bạn đời của mình sau 27 năm xa cách. Như ông từng tâm sự: “Mưa gió từng vui ba chén cám. Trúc mai hãy rót một ly vàng”, “Nửa mảnh trăng tà soi lạnh gối. Một nhành mai nhỏ thức thâu canh”…

Hơn 105 năm sống trên dương gian và hơn 70 năm hoạt động cách mạng, GS Vũ Khiêu được vinh danh là một công dân tiêu biểu, một “Triết gia trong cách mạng - Nghệ sĩ giữa anh hùng”.

GS Vũ Khiêu từng hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng chủ yếu với 5 lĩnh vực công tác ông từng hoạt động, đó là công tác Đảng, dân vận, chính quyền, quân đội và đối ngoại.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia phong trào quần chúng ở vùng rừng núi Tây Bắc, vùng tạm chiếm và được giao nhiều công tác quan trọng như Giám đốc Sở Thông tin khu X, khu XIV, khu Tây Bắc, Việt Bắc; Phó Tổng Giám đốc TTXVN, Phó Chủ nhiệm UBKHXH. Ông đã từng làm Phó ban Tổ chức Khu ủy Tây Bắc, Uỷ viên Ban Tuyên huấn thuộc Đảng ủy Mặt trận từ chiến dịch Trung du đến chiến dịch Điện Biên Phủ.

Về hoạt động đối ngoại, ông có nhiều đóng góp, trong đó từng làm Trưởng đoàn Việt Nam tại Hội thảo phong tặng Hồ Chí Minh là con người hòa bình; được mời làm cố vấn của Hội Khổng học thế giới… Ông hoạt động cách mạng trong những ngày gian khó, trưởng thành trong đấu tranh và kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, đã tôi luyện nên một chiến sĩ Vũ Khiêu, một nhà văn hóa, nhà trí thức uyên bác đức độ.

Giáo sư Vũ Khiêu đã đi vào cõi vĩnh hằng -0
Một số anh em đồng hương Xuân Trường, Nam Định trong Lễ mừng đại thọ GS Vũ Khiêu 100 tuổi.

Những cống hiến của GS Vũ Khiêu trên các lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, lịch sử nhân văn có thể nhắc tới đánh giá khách quan của các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, bạn bè và đồng nghiệp trên hàng trăm cuốn sách, bài báo nói về ông.

Trong cuốn “Vũ Khiêu và bạn bè”, NXB Khoa học Xã hội, xuất bản năm 1995 và cuốn “Vũ Khiêu 90 năm tình bạn”, NXB Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 2006 có rất nhiều bậc tri thức uyên thâm như GS Trần Văn Giàu, Võ An Ninh, Hoàng Như Mai, Đặng Xuân Kỳ, Nguyễn Lân, Đinh Gia Khánh, Hoàng Trinh, Phan Ngọc… và nhiều nhà báo đã thể hiện tình cảm chân thành, khâm phục và tôn kính sâu sắc với GS Vũ Khiêu.

GS Vũ Khiêu được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh từ đợt đầu tiên, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000), khi ông đã 85 tuổi; và dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông được vinh danh là Công dân Thủ đô tiêu biểu.

Từ tuổi 85 rồi 90, 95 và cả khi đã ngoài 100 tuổi, GS. AHLĐ Vũ Khiêu vẫn không ngừng lao động sáng tạo trên từng bài viết, trên từng trang sách. Ông luôn là tấm gương lao động đầy trách nhiệm cho cả thế hệ trẻ noi theo.

Với khối lượng đồ sộ những công trình nghiên cứu về triết học, mĩ học, văn học nghệ thuật, văn hóa xã hội, tư tưởng nhân văn, thơ, văn… ông thể hiện một khả năng xuất chúng, sự nhạy cảm tinh tế đến tuyệt diệu; với lối tư duy khoa học, logic chặt chẽ, sức truyền cảm mãnh liệt, thu hút lòng người khi ông sáng tác các tác phẩm theo thể loại văn cổ như: bài tế, văn phú, văn bia, câu đối… một thể loại văn chương độc đáo thường chỉ có ở các nước dùng Hán ngữ. Từ bài văn tế những lương dân chết đói năm 1945 đến Chúc văn giỗ Tổ Hùng Vương năm 2000 và hàng trăm bài chúc văn, văn tế, văn bia, bài minh như những bản hùng văn ca ngợi truyền thống đấu tranh của dân tộc, ca ngợi công đức của tiền nhân, của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc; cổ vũ tinh thần yêu nước thương nòi, đoàn kết dân tộc, nối gót cha ông, chung sức chung lòng xây dựng quê hương đất nước.

Giáo sư Vũ Khiêu đã đi vào cõi vĩnh hằng -0
CBPV Báo CAND dự tọa đàm nhân 97 năm ngày sinh GS Vũ Khiêu.

Đề tài Thăng Long - Hà Nội là mảng GS Vũ Khiêu giành nhiều tâm huyết và sức lực. Với ông, công việc là niềm vui, là rèn luyện cả trí tuệ và sức khỏe. Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội GS Vũ Khiêu chủ biên bộ sách 4 tập, với hơn 2000 trang mỗi tập  mang tên “Tổng tập nghìn năm Văn hiến Thăng Long”. Và một bộ sách khá đồ sộ “Văn hiến Thăng Long”, là những trang bút ký của ông về Thủ đô mà hàng ngày ông ghi chép lại.

Như Giáo sư nói: “Đây là một đề tài tôi không đăng ký với bất cứ một cơ quan hay NXB nào. Đây chỉ là một đề tài mà trái tim tôi tự giao trách nhiệm cho tôi để phục vụ cho Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến”.

Nhiều người đã được ông cho câu đối, hoành phi, văn bia, văn tế cũng cảm nhận được sự tinh tế, linh ứng và biến hóa như “thần”; nghĩ nhanh, viết đẹp với những hàng chữ hiện lên vận đúng với hoàn cảnh quá khứ, hiện tại và tương lai của mình.

Với sự tôn kính và quý trọng, có tác giả đã viết: “Xưa tôn Thánh Quát Thần Siêu. Nay tôn Thánh Giáp Thần Khiêu hộ đời”. Trong quá trình hoạt động cách mạng và khoa học, GS Vũ Khiêu có đủ Danh, Chức, Quyền. Ông vừa là nhà lãnh đạo vừa là một học giả. Nhưng như nhiều bạn bè của ông đã nói: “ GS Vũ Khiêu, một con người coi công danh như gió thoảng. Tình bạn, tình người, tình làng xóm, quê hương là cái quý nhất trong đời. Ở ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn của một con người vừa có tài lại vừa có đức; tài cao đức rộng. Đây chính là sự thu hút, yêu thương, kính trọng của mọi người dành cho ông”.

Với Báo CAND, ông là một cộng tác viên đặc biệt. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, trên ấn phẩm báo Tết thường có câu đối của ông. Hội nghị gặp mặt cộng tác viên cuối năm hay có sự kiện lớn, ông đều đến tham dự động viên cán bộ phóng viên của báo.

Bằng bài viết này của mình, coi đây là nén tâm nhang tôi cùng cán bộ, phóng viên Báo CAND xin kính dâng vong hồn ông, GS. AHLĐ Vũ Khiêu.

 

Phạm Văn Miên
.
.
.