Giáo dục Thủ đô tiếp tục là mẫu mực và giữ vai trò tiên phong
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh điều này tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành GD&ĐT Thủ đô, 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất diễn ra tại Hà Nội vào ngày 12/11. Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, Bộ GD&ĐT và TP Hà Nội.
Tại buổi lễ, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã ôn lại chặng đường 70 năm phát triển của giáo dục Thủ đô. Trong 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ ngành GD&ĐT; bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành GD&ĐT Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước.
Trải qua 70 năm phát triển, đến nay, ngành GD&ĐT Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh và gần 130.000 giáo viên. Chất lượng giáo dục Thủ đô ngày càng được nâng cao, học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Thống kê từ năm 2008 đến 2024, học sinh Hà Nội đạt gần 2.200 giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế. Giáo dục đại trà được quan tâm, chú trọng.
Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Giáo dục Thủ đô giữ vững và đi đầu trong việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng được nâng cao. Các mô hình trường chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế ngày càng phát triển...
Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô và đất nước, ngành GD&ĐT Hà Nội vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng những danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Nhất...
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Ngành GD&ĐT Thủ đô luôn là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu, dẫn dắt trong mọi nhiệm vụ của toàn ngành. Trong suốt 70 năm năm qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã không ngừng nỗ lực, phát huy năng lực chủ động tích cực, đổi mới sáng tạo của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, hoàn thành xuất sắc những yêu cầu của phát triển Thủ đô.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giáo dục Thủ đô với tư cách là một đơn vị trụ cột của ngành Giáo dục cả nước cũng đang đối mặt với những thách thức và cơ hội chung của toàn ngành cũng như những thách thức đặc thù. Đó là tình trạng học sinh tập trung đông, phân bổ không đều và nhiều biến động, dẫn đến khó khăn trong việc phân tuyến, đáp ứng nhu cầu học tập lớn và tình trạng thiếu trường học công lập cục bộ tại một số khu vực; khoảng cách về chất lượng và điều kiện giáo dục giữa các trường quận nội thành và các trường huyện ngoại thành còn khá lớn; việc thiếu không gian, quy hoạch mạng lưới trường, lớp học ở một số quận nội thành, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, các khu đô thị mới… còn nhiều khó khăn thách thức. Người đứng đầu ngành GD&ĐT cũng mong muốn ngành giáo dục Thủ đô cần kế tục truyền thống, tiếp tục là mẫu mực và giữ vai trò tiên phong cho giáo dục cả nước.
"Giáo dục hiện nay nhấn mạnh lấy phát triển toàn diện con người là trọng tâm, mục tiêu. Trong sự phát triển toàn diện con người, giáo dục Thủ đô cần hướng tới mục tiêu cao hơn yêu cầu chung cả nước, hướng tới giáo dưỡng, tạo nên những công dân Thủ đô thanh lịch, có tầm văn hóa, trách nhiệm xã hội và biết sống hạnh phúc cho mình và cho cộng đồng. Muốn vậy, nền giáo dục Thủ đô phải hướng tới là nền giáo dục thanh lịch. Trong đó trường học là trường học thanh lịch, thầy cô và học sinh thanh lịch. Ở đó, trường học phải là nơi người học được đảm bảo an toàn, không có bạo lực học đường", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Chúc mừng những thành tựu mà ngành GD&ĐT Thủ đô đạt được trong suốt 70 năm qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị toàn ngành GD&ĐT Hà Nội cần quan tâm, chăm lo nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, làm tốt cả việc dạy chữ, dạy nghề, đặc biệt là dạy người; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học; gắn học với hành, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Cùng với đó, tiếp tục hiểu đúng và thực hiện tốt hơn nữa chủ trương xã hội hóa giáo dục, khai thác mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng công tác giáo dục, giảng dạy chất lượng cao; thực hiện tốt phương châm “Xây dựng nhà trường văn hóa; nhà giáo mẫu mực; học sinh thanh lịch”...